Mới đây, ngày 16/2, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Công ty SEMV) với số vốn tăng thêm 920 triệu USD.
Theo đó, vốn đầu tư nhà máy Samsung Electro - Mechanics tại Thái Nguyên tăng từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD. Đây có thể nói là tin rất vui trong đầu năm 2022 với ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.
Dự án Samsung Electro-Mechanics đi vào hoạt động vào năm 2015, với tổng vốn đầu tư 1,35 tỷ USD. Số lao động sử dụng (tại thời điểm 31/10/2021) là 6.585 người.
Sau hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, Samsung đã sở hữu tới 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. HCM, cùng một trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng.
Tại sao Samsung lại lựa chọn những địa phương này?
Một đại diện của Samsung, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam từng tiết lộ lý do lớn nhất khiến Samsung chọn Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. HCM để đặt nhà máy.
Bắc Ninh tuy là tỉnh nghèo, diện tích nhỏ nhất cả nước, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng lại có vị trí gần Hà Nội, sân bay Nội Bài và cảng Hải Phòng. Năm 2008, linh kiện điện tử Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn từ Trung Quốc do sản xuất chưa phát triển. Sản phẩm Samsung lại phải được đưa ra thị trường ngay sau khi sản xuất 1 tuần, nên để việc nhập khẩu linh kiện và xuất khẩu sản phẩm thuận lợi, Bắc Ninh là lựa chọn phù hợp.
Đến khu tổ hợp thứ hai, Samsung lại phải giải quyết bài toán trao đổi phương tiện, nguyên vật liệu với nhà máy ở Bắc Ninh trong vòng 40 phút, nên Thái Nguyên là địa điểm được lựa chọn. Trung tâm nghiên cứu của Samsung cũng được đặt ở Hà Nội vì lý do này.
Còn với nhà máy ở TP. HCM, nhà máy duy nhất ở miền Nam thì là vì các doanh nghiệp ở miền Nam có thế mạnh trong việc ép nhựa và đúc chi tiết lớn nên được lựa chọn để sản xuất TV và thiết bị gia dụng. Mặt khác, TP. HCM cũng gần sân bay, cảng biển, đáp ứng nhu cầu xuất hàng đi khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
Rất nhiều đại gia ngành điện tử vào Việt Nam chọn đặt nhà máy ở phía Bắc.
LG sở hữu 3 nhà máy sản xuất các mặt hàng chính tại Hải Phòng, bao gồm LG Electronics Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử; LG Innotek Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất và bán các linh kiện điện tử và LG Display Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất màn hình LCD và OLED.
Canon Việt Nam đến nay có 3 nhà máy sản xuất chính là Nhà máy Thăng Long (Hà Nội)- chuyên sản xuất các loại máy in phun, máy quét ảnh; Nhà máy Quế Võ (Bắc Ninh)- chuyên sản xuất các loại máy in lazer; Nhà máy Tiên Sơn (Bắc Ninh) chuyên sản xuất các loại máy in phun.
Hay Foxconn, tính đến cuối năm 2020 đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, tạo ra việc làm cho 53.000 lao động trong hệ sinh thái 6 nhà máy tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh.
Trước đó, Công ty chứng khoán ACB (ACBS) từng đưa ra những phân tích về vấn đề này.
ACBS chỉ ra, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh. Khu vực này có 129 KCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trung bình là 81% chủ yếu nhờ tỷ lệ hấp thu tốt ở TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Đây là vùng lớn thứ 2, chiếm 32% GRDP cả nước. Hiện vùng này có 102 KCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy là 82%.
Theo ACBS, có 3 lý do khiến các doanh nghiệp điện tử như Samsung, hay LG tập trung phát triển nhiều nhà máy tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Thứ nhất, so với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gần Trung Quốc cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản – vốn là 2 nước đóng góp FDI nhiều cho Việt Nam. Thứ hai, vùng kinh tế phía Bắc có nhiều đường cao tốc hơn với 14 con đường, tổng độ dài là 1.368 km. Con số đường cao tốc ở phía Nam chỉ bằng một nửa với 7 đường, độ dài tổng cộng 983 km. Thứ ba, mật độ dân số ở vùng phía Bắc cao hơn phía Nam với 946 người/m2 so với 586 người/m2.