Đất nước sẽ "cất cánh" với sân bay Long Thành
Sân bay Long Thành là 1 trong trong 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Việc khởi công dự án cho thấy Đảng, Nhà nước luôn coi trọng việc phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó có hệ thống đường cao tốc, cảng biển và hạ tầng vận tải hàng không. "Chỉ khi cơ sở hạ tầng tốt và hiện đại thì kinh tế mới có thể cất cánh mạnh mẽ", tờ Tiền phong bình luận.
Còn theo tờ Giao thông, khi đưa vào khai thác, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3 - 5%. Sau đó, việc kết nối giao thông với sân bay Long Thành một cách đồng bộ sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng Đông Nam Bộ và cả nền kinh tế.
Những chuyến bay cất cánh từ sân bay Long Thành vào năm 2025 được kỳ vọng sẽ là sự "cất cánh" cả về kinh tế, xã hội, sự phát triển của một vùng đất phía Nam. Khi sân bay Long Thành đi vào khai thác, tình trạng quá tải, ùn tắc cả trên trời lẫn dưới đất ở Tân Sơn Nhất sẽ không còn.
Giao thông sẽ đẩy ĐBSCL bật lên
Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa khởi công nhằm hoàn chỉnh tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ là hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần nâng cao đời sống cho hơn 20 triệu người dân trong vùng ĐBSCL.
Trước tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang xây dựng, cả khu vực ĐBSCL mới chỉ có tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương dài chưa tới 50 km hoạt động, một con số quá ít ỏi so với tiềm năng, vị trí và tầm quan trọng của khu vực đóng góp tới 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng trái cây cả nước và 75% sản lượng thủy sản của cả nước.
Tờ Người Lao động phân tích, do nút thắt về giao thông khiến những lợi thế về nông nghiệp và thủy sản của vùng ĐBSCL chưa phát huy hết do chi phí vận tải, logistics quá tốn kém, đắt đỏ. Vì vậy, việc đầu tư hạ tầng giao thông ở khu vực này sẽ tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí vận chuyển, logistics cho doanh nghiệp và người dân, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế, giảm xin ngân sách từ trung ương.
Tuy nhiên, điểm chung giữa các dự án này là tình trạng chậm tiến độ. Chẳng hạn như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, sau gần 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10%. Dự án sân bay Long Thành, mất 10 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt mới được khởi công. Chỉ sau khi Thủ tướng, các Phó Thủ tướng nhiều lần kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các dự án mới được đẩy nhanh hơn, tránh tình trạng nhiều dự án bị "treo" suốt thời gian dài do thiếu sự quyết tâm của lãnh đạo.
Năng lực cạnh tranh từ sự quyết tâm
Nhiều tờ báo dẫn lời Thủ tướng khi dự lễ thông tuyến kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhấn mạnh: "Không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua nếu có ý chí, sự quan tâm chung, đoàn kết phấn đấu từ trung ương tới địa phương. Việc hoàn tất đúng tiến độ các dự án lớn chính là một trong những yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế".
Năng lực cạnh tranh toàn cầu Việt Nam đã có sự cải thiện tích cực phản ánh hiệu quả và tính năng động trong điều hành của Chính phủ. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết số 01 và 02, trong đó đặt mục tiêu nâng chỉ số năng lực cạnh tranh theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lên 5 bậc. Chính phủ cũng quyết định cắt giảm hàng ngàn giấy phép con để giảm chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.
Hai nghị quyết "tạo đà" cho năm 2021
Tờ Đầu tư gọi đây là "Hai nghị quyết "tạo đà" cho năm 2021. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Tờ Thanh niên bình luận: "Tinh thần cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được thể hiện một cách xuyên suốt trong cả 2 nghị quyết. Bởi những bức xúc của doanh nghiệp và người dân chính là điểm nghẽn mà chúng ta phải tiếp tục tập trung, dành nguồn lực, thời gian để tháo gỡ".
Nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng 6,5% không phải chuyện quá khó nếu Chính phủ tận dụng tốt dư địa cải cách. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo Nghị quyết 01, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 6,5%, cao hơn mức 6% Quốc hội giao. Một số ý kiến cho rằng con số này đầy thách thức. Tuy nhiên nhiều tổ chức và chuyên gia, dù còn tỏ ra thận trọng vì diễn biến dịch COVID-19 khó đoán định vẫn khẳng định rằng, mức tăng trưởng 6,5% không phải là chuyện quá khó nếu Chính phủ tận dụng tốt dư địa cải cách.
Tăng trưởng 6,5% - Thách thức nhưng khả thi
Đưa ra nhận định lạc quan về mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2021 hoàn toàn có thể thực hiện được, tờ Đại biểu nhân dân trích nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: "Để đạt được con số này, Chính phủ cần tập trung xử lý điểm nghẽn chồng chéo pháp luật, trở thành Chính phủ kiến tạo. Còn các doanh nghiệp cần gắn với chuyển đổi số - đây không phải là lựa chọn mà là con đường bắt buộc".
Với hàng tít ngắn gọn "Dám bỏ", tờ Lao động bình luận rằng, Nghị quyết 02 kiên định vai trò "kiến tạo", thể hiện mạnh mẽ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh khi cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và quyết tâm sử dụng hồ sơ điện tử thay vì hồ sơ giấy truyền thống. Những thủ tục từng được cho là những rào cản rất lớn vì nó liên quan đến quyền lợi, đến cát cứ, phân khúc mà thực chất đó là lợi ích nhóm.
"Trên đà xóa bỏ rào cản, cát cứ, Nghị quyết 02 năm nay tiếp tục các biện pháp lấy dựa trên chuyển đổi số, với các chỉ tiêu rất cụ thể: cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong các các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội..., nghĩa là người dân có thể thực hiện các thủ tục trực tuyến thay vì trực tiếp phải đến cơ quan nhà nước, phải "gặp cán bộ". Điều này không những tiết kiệm được thời gian, giảm các chi phí chính thức và không chính thức, mà còn giúp tạo sự minh bạch, hạn chế tham nhũng vặt, tiêu cực.
Điểm mới rất quan trọng của Nghị quyết 02 đó là các nhiệm vụ không dừng lại ở kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh như giai đoạn trước, mà là tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế như chuyển đổi số, kinh tế số với các kế hoạch dài hơi. Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ được đặt thành mục riêng.
Đây là nội dung mà các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng sẽ làm nên những thay đổi tích cực. Họ đang nhìn thấy chìa khóa từ Nghị quyết 02 khi Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.