Theo đề xuất sửa đổi các quy tắc giao dịch của hợp đồng, sẽ được niêm yết công khai đến thứ Bảy (15/5) để xin ý kiến góp ý, Sàn Đại Liên có kế hoạch giảm hàm lượng sắt trong quặng từ 62% xuống 61%, đồng thời sửa đổi các yêu cầu chất lượng đối với silica và nhôm oxit.
Mức chênh lệch giá giữa các loại quặng sắt đã có sự thay đổi rất nhiều và dao động mạnh trong những năm gần đây do đại dịch, những thay đổi về cung và cầu cũng như chính sách tiền tệ, trong khi nhu cầu quặng chất lượng cao tăng mạnh do lợi nhuận của các nhà máy thép Trung Quốc tăng cao, thông tin trên website của Sàn Đại Liên cho biết.
Giá quặng sắt hợp đồng tương lai (kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất) trên sàn Đại Liên đã tăng hơn 50% trong năm nay và liên tục phá vỡ những kỷ lục cao nhất của mọi thời đại trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ ở nước tiêu thụ sắt thép hàng đầu thế giới là Trung Quốc, và lo ngại về nguồn cung khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Australia – nhà sản xuất nguyên liệu thép chính – tiếp tục xấu đi.
Chênh lệch giữa giá quặng sắt hàm lượng 65% (quặng cao cấp) và 58% đã tăng lên mức kỷ lục 90,5 USD/tấn, trong khi giữa quặng 62% (quặng chuẩn) và quặng thấp cấp là 57,5 USD/tấn.
"Các chuyên gia thị trường tin rằng đề xuất này phù hợp với loại quặng tiêu thụ chủ đạo trên thị trường hiện tại và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trong nước", công ty DCE cho biết trong một tuyên bố trên trang website của mình.
Ngoài ra, Sàn Đại Liên cũng có kế hoạch thường xuyên thay đổi các quy định khác liên quan đến chất lượng quặng, như giảm mức cộng / hoặc trừ cho những nhãn hiệu quặng phân phối để nhằm đảm bảo đồng bộ với thực tế thị trường, ngay cả khi giá biến động mạnh.
Tháng 12/2020, Sàn này cũng đã đề nghị thực hiện các điều chỉnh "động" đối với mức cộng / trừ tương tự.
"Việc điều chỉnh (mức cộng / trừ) có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao hàng quặng sắt trong nước để phục vụ sự phát triển các sản phẩm nội địa, đồng thời giúp hạn chế giá tăng nóng", thông báo của Sàn Đại Liên cho biết.
Sàn Đai Liên hiện cho phép 17 thương hiệu quặng sắt - bao gồm cả những nhãn hiệu từ Australia, Brazil và Trung Quốc - được giao hàng. Mỗi năm có khoảng 620 triệu tấn quặng sắt tiêu thụ ở Trung Quốc đáp ứng đủ các điều kiện giao hàng của Sàn.
Bảng đề xuất thay đổi mức cộng / trừ đối với quặng sắt giao dịch do sàn Đại Liên công bố (ĐVT: CNY/tấn)
Phiên 12/5, giá sắt thép tiếp tục lập đỉnh mới. Theo đó, giá thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải có lúc đạt 6.698 CNY (1.040,03 USD)/tấn, các sản phẩm thép khác cũng mở rộng đà đi lên. Giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải cũng tăng 0,9% lên 6.094 CNY/tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 6 tăng 2,1% lên 15.560 CNY/tấn.
Quặng sắt hôm qua cũng tăng 0,4% lên 1.306 CNY/tấn do sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia, mặc dù khả năng Trung Quốc hạn chế nhập khẩu quặng Australia là rất nhỏ, thông tin từ SinoSteel cho biết.
Với việc giá liên tiếp phi mã như hiện tại, các nhà phân tích của SinoSteel Futures lưu ý tới khách hàng của mình rằng: "Mặc dù thị trường vẫn đang tăng giá, nhưng sự tăng giá nhanh chóng trong ngắn hạn đã tạo ra rủi ro và giá có thể sắp có sự điều chỉnh". Khu vực phía Nam của Trung Quốc sắp bước vào mùa mưa, có khả năng làm giảm nhu cầu đối với vật liệu xây dựng.
Trong khi đó, nhà sản xuất thép tấm ô tô hàng đầu của Trung Quốc là Baoshan Iron & Steel cho biết nhu cầu ô tô trong quý 2 này bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip, trong khi Citi Research cho biết quý thứ ba là mùa giảm giá truyền thống.
Tham khảo: Refinitiv