Loài cá không chỉ biết bơi mà còn nhảy trên mặt đất, leo cây đang được ngư dân Hậu Lộc (Thanh Hóa) đổ xô đi bắt, kiếm 400.000-500.000 đồng. Thậm chí có người "bỏ túi" cả triệu đồng mỗi ngày.
Loài cá này có tên là cá thòi lòi hay còn gọi là cá còi, cá leo cây. Chúng vừa có mang vừa có phổi, được ngư dân ví là loài cá độc đáo nhất hành tinh.
Cá thòi lòi chỉ to bằng ngón tay và chiều dài tầm hơn 10cm, mắt lòi ra, đầu hình cá trê với hàm răng sắc nhọn, da màu đen có nhiều hoa văn với hình dáng giống cá bống, tươi lâu.
Vùng triều các xã ven biển như: Đa Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc (huyện Hậu Lộc) là nơi loài cá này sinh sống nhiều nhất. Chúng thường đào hang dưới lớp bùn sâu 20-30cm để cư trú. Mỗi hang có vài con. Khi thủy triều rút, chúng sẽ chui ra khỏi nơi trú ngụ để kiếm ăn và phơi nắng, nếu thấy tiếng động hay có bóng người lập tức chúng lao ngay xuống ẩn nấp.
Năm nào cũng vậy, vào khoảng từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 5 Âm lịch hàng năm, người dân ven biển Hậu Lộc lại đổ xô đi bắt cá thòi lòi. Đây là thời điểm loài cá này sinh sôi nhiều và rất béo nên cũng là lúc đi săn hiệu quả nhất.
Những người phụ nữ thường đeo chiếc giỏ bên mình rồi tìm nơi có cá trú ẩn, dùng tay móc lớp bùn ra rồi bắt khi chúng đang trú ẩn trong những chiếc hang thế nhưng đa số đàn ông sẽ dùng cách bẫy.
Những chiếc bẫy do ngư dân sáng tạo ra từ thân cây tre uốn cong. Bẫy cao khoảng 40cm, phía dưới dùng dây cước thắt nút thòng lọng được đặt tại các hang cá. Khi cá ngoi lên tìm kiếm thức ăn, bơi qua sẽ vướng vào sợi dây và sập bẫy. Sau khi đặt cả trăm chiếc bẫy xong thì quay vòng trở lại để thu "chiến lợi phẩm".
Anh Vũ Văn Độ (xã Đa Lộc), một tay săn cá thòi lòi cho biết, loài cá này di chuyển rất nhanh, chỉ nghe tiếng động là chúng lập tức kéo xuống hang bùn ẩn nấp nên người đi săn cá này cũng phải có kỹ năng và khéo léo. Mỗi tháng, ngư dân có thể đi săn loài cá này khoảng 15 ngày, tùy theo con nước.
Theo anh Độ, dù nghề săn cá thòi lòi cũng cho thu nhập khá, tuy nhiên không ít vất vả. Người săn cá phải di chuyển nhiều giờ giữa bãi bùn lầy. Không những vậy, càng những ngày nắng to thì cá mới bò lên mặt bùn tắm nắng, tìm thức ăn nhiều. Cá dễ bị bắt nên ngư dân cũng thường lựa những ngày nắng to để đi bắt cá, chưa kể đôi khi tay va phải mảnh sành, vật sắc nhọn hay vỏ hàu, vỏ ốc gây rách da, tứa máu.
Mỗi ngày, ngư dân thường sẽ đi săn cá trong khoảng 5-7 giờ tùy theo thủy triều lên xuống, thu về 2-3kg cá, ngày trúng có thể sẽ được nhiều hơn. Với giá bán 180.000-200.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày ngư dân "bỏ túi" cả nửa triệu đồng.
"Đầu con nước, lượng cá bắt được sẽ nhiều hơn, càng về cuối con nước, cá cũng giảm bớt và nước lên nhanh nên bắt được ít hơn. Tuy nhiên, các gia đình có hai vợ chồng đi bắt thì "bỏ túi" tiền triệu mỗi ngày là không hiếm", chị Nguyễn Thị Phương (xã Đa Lộc) cho biết.
Cũng theo chị Phương, thịt cá rất thơm được mọi người ví cá còi béo hơn thịt lợn, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như kho, nấu, rán…, tùy vào sở thích từng người.
"Dù giá cả khá cao thế nhưng cá này rất được khách hàng ưa chuộng, các nhà hàng đặt quanh năm nhưng nhiều khi tôi không có để bán hoặc có thì cũng chỉ đủ cho khách mua lẻ ở địa phương", bà Trần Thị Hạnh, một thương lái cho biết.
(Theo Dân trí)