Hội thảo do Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Lâm Đồng và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của trên 200 đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết, năng suất cà phê Việt Nam đang cao hơn bình quân các nước trên thế giới gấp hơn 3 lần, nhưng thời kỳ hiện nay ngành cà phê cần tăng cường chế biến sâu để cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác. Chúng ta cần tăng năng suất, nhưng không mở rộng diện tích trong bối cảnh nhiều vùng trồng cà phê không phù hợp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm một gian hàng triển lãm tại "Ngày cà phê Việt Nam lần thứ I" diễn ra tại Đà Lạt
Còn theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, nước ta cần sản xuất cà phê theo phương châm 8 chữ “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”, mục tiêu trọng tâm là giữ vững vị trí thứ hai về sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân trên thế và đẩy mạnh khâu chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Kết thúc niên vụ 2016, Việt Nam xuất khẩu được gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, đặc biệt xuất khẩu cà phê chế biến rang xay và hòa tan chiếm trên 10% tổng giá trị.
Niên vụ 2016, Việt Nam xuất khẩu được 1,79 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD. Ảnh: Văn Long.
Mặc dù đạt được nhiều kỳ tích, song ngành cà phê Việt Nam vẫn còn không ít những tồn tại. Ông Đoàn Xuân Hòa – nguyên Phó cục trưởng Cục Chế biến, Bộ NN&PTNT - nêu ra những hạn cơ bản là điều kiện sơ chế, bảo quản, tạm trữ cà phê của nông hộ còn bất cập; tỷ trọng cà phê chế biến sâu còn quá thấp; hệ thống kho bảo quản khai thác chưa hiệu quả…. Nước ta đã mất khoảng 160 năm để đạt và hoàn thành thời kỳ đầu là trở thành nước sản xuất và chế biến cà phê nhân đứng thứ 2 trên thế giới.
Ông Silvia – Tổng giám đốc Tổ chức cà phê thế giới (ICO) - đánh giá cao sự tăng trưởng kỳ diệu của Việt Nam. Theo đó, năm 1991, sản lượng cà phê Việt Nam mới đạt 1% thì phần thế giới, nhưng đến niên vụ 2015 – 2016 thì Việt Nam đã chiếm trên 19%.
Theo ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây cà phê, hiện nay toàn tỉnh trên 150.000ha, sản lượng đạt khoảng 430.000 tấn, là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích (sau Đắk Lắk). Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã quản lý quy trình sản xuất chặt chẽ với việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật như 4C, Rainforest, UZT…Vì vậy thu nhập của người nông dân đã tăng lên rõ rệt.
Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây cà phê. Ảnh:Văn Long
Trước đó, chiều 8.12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đến thăm mô hình sản xuất của ông Nguyễn Đăng Tỉnh (tổ dân phố Đống Đa, thị trấn Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng) liên kết theo tiêu chuẩn 4C với Công ty Nescafe. Với diện tích 1,1ha, ông Tỉnh đạt sản lượng 6 tấn cà phê/năm.
“Quá trình liên kết, Công ty Nescafe đã hướng dẫn kỹ thuật, theo đó không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, một năm bón phân 4 lần, mỗi gốc khoảng 2kg phân hóa học và 10kg phân chuồng nên sản lượng đảm bảo, vườn ít bị sâu bệnh. Sản phẩm được công ty bao tiêu, với giá cao hơn cà phê sản xuất thông thường”, ông Tỉnh cho hay. Bộ trưởng đánh giá cao mô hình này, khuyến khích gia đình phát huy và chia sẻ kinh nghiệm với những hộ dân khác để đưa cà phê của khu vực nói riêng, cả nước nói chung lên một tầm cao mới.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN đánh giá cao khu vườn đạt năng suất 6 tấn/ha của gia đình ông Tỉnh. Ảnh: Văn Long.