Cụ thể, theo báo cáo sơ bộ của các thành viên Hiệp hội, dự kiến diện tích mía niên vụ 2019/2020 chỉ còn 157.809 ha. Như vậy, so với niên vụ 2018/2019, diện tích mía niên vụ 2019/2020 giảm tới 17,97%. Trước đó, trong niên vụ 2018/2019, diện tích mía cũng đã giảm tới 20% so với niên vụ 2018/2018.Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), do tác động bởi kết quả sản xuất và giá mía nguyên liệu niên vụ 2018/19, thị trường đường thế giới, nhu cầu tiêu dùng đường trong nước, cũng như khả năng cạnh tranh với các loại cây trồng khác, diện tích niên vụ 2019/2020 tiếp tục giảm rất mạnh.
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho diện tích mía giảm mạnh là giá thu mua mía quá thấp. VSSA cho biết, đầu niên vụ 2018/2019, dưới tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại, với lý do chống đường nhập lậu, nhiều thành viên Hiệp hội đã thông báo giá mua mía rất thấp, dưới giá thành sản xuất (kể cả một số doanh nghiệp đã có cam kết mua mía với giá ổn định trước đó).
Bên cạnh đó, cũng với lý do chống đường nhập lậu nhiều thành viên Hiệp hội đã thông báo bán phá giá đường, dưới giá thành sản xuất. Giá bán đường tuy thấp nhưng trong thời gian dài cũng không bán được (tồn kho tại các nhà máy đường đến khi kết thúc vụ khoảng 600.000 tấn, là năm có lượng tồn kho cao trong các năm gần đây), nhiều doanh nghiệp thành viên nợ cả tiền mía nông dân. Những yếu tố trên khiến cho nhiều nông dân trồng mía, sau khi thu hoạch xong, đã chuyển sang cây trồng khác.
Trong khi đó, thời gian vừa qua, VSSA lại chưa có giải pháp bảo đảm được sinh kế cho người nông dân trồng mía, có nghĩa là chưa có giải pháp bền vững cho sự tồn tại và phát triển của ngành.
Do diện tích mía giảm mạnh, dự báo sản lượng đường niên vụ 2019/2020 cũng giảm mạnh xuống dưới 1 triệu tấn. Cụ thể, dự kiến của VSSA cho hay, sản lượng mía là 9.750.475 tấn, năng suất bình quân 61,8 tấn/ha, CCS bình quân 9,7 CCS. Với sản lượng mía như vậy, dự kiến sản lượng đường chỉ đạt 967.823 tấn. Nếu vậy, sau nhiều năm luôn ở mức trên 1 triệu tấn đường, niên vụ này nhiều khả năng sản lượng đường cả nước bị giảm xuống dưới mốc 1 triệu tấn. Và với sự sụt giảm mạnh về diện tích, sản lượng mía, sản lượng đường như trên, mục tiêu 2 triệu tấn đường đến 2022, mà VSSA từng đặt ra vào năm 2018, ngày càng trở nên xa vời.
Trước tình hình đó, để giữ được diện tích mía, VSSA đã khuyến cáo các nhà máy đường phải xây dựng giá thu mua mía sao cho nông dân có thể sống được với cây mía. Bởi đây là con đường tồn tại duy nhất của ngành đường Việt Nam, vì nếu nông dân không tiếp tục trồng mía thì sẽ không còn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động chế biến nữa. VSSA đề nghị các doanh nghiệp tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương để cùng với nông dân xây dựng giá mua mía sao cho bù đắp đủ các chi phí đã bỏ ra, có cộng thêm khoảng 10% để người nông dân có thể tồn tại và tiếp tục trồng mía.
Bên cạnh đó, giá đường của các nhà máy phải bảo đảm giá thành đủ trả tiền mía cho nông dân và chi phí chế biến. Theo đó, VSSA đề nghị các doanh nghiệp tùy vào tình hình tài chính thực tế để xây dựng giá bán đường hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích nông dân, nhà máy và người tiêu dùng và tuyệt đối không bán phá giá dưới giá thành sản xuất.
Trong bối cảnh thực hiện cam kết ATIGA từ 1/1/2020, tất cả các nước trồng mía chính trong ASEAN như Thái Lan, Philippine, Indonesia đều đã có mối liên kết chặt chẽ bằng hệ thống chia sẻ (sharing) quy định bởi pháp luật. Nhà nước cũng đã yêu cầu phải tăng cường liên kết giữa người trồng mía và các nhà máy chế biến như là điều kiện tiên quyết để tiếp tục hỗ trợ ngành đường. Do đó, việc thiết lập hệ thống sharing giữa nông dân trồng mía và nhà máy là hết sức cần thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành mía đường Việt Nam. Theo VSSA, tỷ lệ chia sẻ mía/đường nằm trong khoảng 65/35 đến 70/30.