Tại họp báo Thường kỳ Chính phủ tháng 7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, tháng 7 có 60/63 địa phương có PMI tăng cao. Ví dụ như Khánh Hoà, Hải Phòng, Quảng Ninh. PMI là chỉ số cho thấy dòng chu chuyển sản xuất của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo cũng tăng cao. Điều này giúp kéo giảm chỉ số tồn kho xuống. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao. Các ngành như thép, vải dệt từ sợi, phân bón NPK, điện sản xuất tăng trưởng ổn định.
“Kết quả phản ánh tăng trưởng tích cực của nền kinh tế, đang phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023. Đối với công nghiệp chế biến chế tạo, sự phục hồi toàn ngành giúp trở thành động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Sản xuất sản phẩm công nghiệp cơ bản cũng tăng trưởng trên diện rộng ở hầu hết địa phương, đặc biệt địa phương trọng điểm”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu.
Về năng lực doanh nghiệp, bà Thắng nêu rõ: Doanh nghiệp trong nước phục hồi tích cực, sẵn sàng tận dụng cơ hội từ hội nhập và niềm tin vào thị trường của doanh nghiệp ngày càng lớn, tích cực qua các tháng đầu năm.
Nói về nguyên nhân của quá trình phục hồi tăng trưởng, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, cùng với sự nỗ lực lớn của doanh nghiệp, có được sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế trong thời gian qua là nhờ vào việc thực hiện hiệu quả các chính sách của Chính phủ và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án ODA.
Bên cạnh đó, tăng trưởng ổn định về FDI cũng giúp tăng năng lực cho nền kinh tế; Các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội từ các FTAs thế hệ mới mang lại cho nền kinh tế, các đơn hàng gia tăng.
Tuy nhiên, nền kinh tế đối diện với nhiều thách thức phía trước, trong đó dù cải thiện nhiều, nhưng nội lực còn yếu, điểm nghẽn lớn của công nghiệp chưa được khắc phục. Nền kinh tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, đặc biệt là khu vực FDI, trong khi đó yếu kém về công nghiệp hỗ trợ trong thời gian dài chưa được khắc phục triệt để.
“Sản xuất công nghiệp phục hồi nhưng chưa toàn diện, 6 đến 7 tháng đầu năm 2024 có 3/63 địa phương có sản lượng sản xuất công nghiệp chủ lực suy giảm so với cùng kỳ như điện thoại thông minh, ô tô, dày dép”, bà Thắng nói.
Theo bà này, tình hình thế giới phức tạp khó lường, rủi ro biến động chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất khiến xuất khẩu của Việt Nam có thể bị suy giảm. Trong khi đó, dự báo xuất khẩu tiếp tục phải phụ thuộc vào 1 số thị trường lớn và dựa vào các sản phẩm chủ lực.
"Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào EU, Mỹ sẽ tiếp tục đối diện với các vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại gia tăng cao hơn”, bà Thắng nói.
Trong nước, thị trường bất động sản phục hồi vẫn chậm, thị trường tiêu thụ hàng hoá trong nước phục hồi chậm.
Về giải pháp bên cạnh, tiếp tục chủ động chính sách hỗ trợ, tháo gỡ hoạt động cho doanh nghiệp, trong đó các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày. Đưa vào vận hành các ngành kinh tế mới, tạo xung lực cho phát triển; Tham mưu hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên các ngành công nghiệp mới trong ngắn, dài hạn. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương nhằm phát huy đà tăng trưởng của địa phương và các vùng kinh tế.
“Cần lan toả các dự án đầu tư công lớn và chính sách khôi phục sản xuất trong nước, khuyến khích mua sắm hàng hoá trong nước, hạn chế tối đa nguyên liệu nhập khẩu từ nước”, bà Thắng nói.