Giá quặng sắt - Hỗ trợ mạnh từ đường trendline trung hạn
Hiện giá quặng sắt đang ở giai đoạn khá quan trọng khi kiểm định đường trendline tăng trung hạn, nếu đường này bị phá vỡ thì xu hướng giảm trong dài hạn sẽ được hình thành, ngược lại nếu giá giữ trên đường trendline thì có thể giai đoạn phục hồi quay lại. Các tín hiệu kỹ thuật đang ủng hỗ cho khả năng hình thành xu hướng phục hồi.
Xu hướng điều chỉnh trong dài hạn đang suy yếu
Giá quặng sắt đang hình thành xu hướng điều chỉnh trong dài hạn. Theo đó, giá luôn dao động trong kênh giá giảm hình thành từ tháng 02/2011 đến này. Kênh giá này có độ tin cậy rất cao khi cận trên đã được kiểm định 4 lần.
Xu hướng điều chỉnh đang có sự suy yếu khi giá quặng sắt hình thành đáy quan trọng quanh vùng 35-40 USD/tấn trong tháng 12/2016. Từ đây giá liên tục đi lên và hình thành xu hướng tăng trưởng trong trung hạn.
Nhóm MA dài hạn (MA 100, MA 200, MA 400) đang có xu hướng đi ngang và phục hồi trở lại, điều này hàm ý về khả năng xuất hiện sự thay đổi cơ bản trong xu hướng dài hạn.
Hỗ trợ mạnh từ đường trendline trung hạn
Xu hướng điều chỉnh từ tháng 09/2017 đang có dấu hiệu suy yếu khi giá quặng sắt tiếp cận đường trendline trung hạn hình thành từ đáy tháng 12/2016 (vùng 57-60 USD/tấn). Giá có dấu hiệu đi ngang và hình thành giai đoạn tích lũy trở lại. Với xu hướng hiện tại có hai kịch bản chính có thể diễn ra.
Kịch bản 1: Giá phá vỡ đường trendline trung hạn và hình thành xu hướng điều chỉnh. Lúc này giá sẽ giảm nhanh và mạnh về vùng 37-40 USD/tấn (đáy tháng 12/2016)
Kịch bản 2: Giá giữ được đường trendline trung hạn và hình thành xu hướng phục hồi. Lúc đó, ngưỡng kháng cự mạnh có thể là cận trên kênh giá giảm dài hạn (vùng 74-78 USD/tấn).
Các chỉ báo kỹ thuật đang ủng hộ cho kịch bản 2 khi giá đã cắt lên đường MA 10 cho tín hiệu mua ngắn hạn. Đồng thời, MACD tăng mạnh và phá vỡ đường signal nên rủi ro ở hiện tại không lớn.
Ảnh hưởng đến công ty ngành tôn thép
Nếu giá quặng sắt phục hồi như kịch bản 2 thì khả năng giá thép thành phẩm và những sản phẩm liên quan đến thép có thể tăng trong tương lai. Một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn có thể bị ảnh hưởng có thể kể đến như: CTCP Tập Đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Tập Đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Thép Nam Kim (NKG)… Theo đó, chi phí đầu vào có thể gia tăng và làm suy giảm lợi nhuận trên báo cáo tài chính. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và độ trễ có thể khác nhau tùy vào đặc thù của doanh nghiệp.
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock
FiLi