Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã: VHC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt 2.694 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng lên tới 2.053 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 638 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lên lần lượt đạt 93 tỷ và 60 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đạt 461 tỷ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ. EPS quý 4 đạt gần 2.500 đồng/cổ phiếu.
Luỹ kế năm 2021, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu 9.060 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Tuy vậy, giá vốn cả năm lên tới 7.303 tỷ đồng khiến lãi gộp đạt 1.752 tỷ. Chi phí quản lý bán hàng tăng gấp đôi lên 343 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên 212 tỷ. Do đó Vĩnh Hoàn đạt lợi nhuận sau thuế 1.110 tỷ đồng cho năm 2021, tăng 54,3% so với năm trước.
Tính đến 31/12/2021, Vĩnh Hoàn có tổng tài sản đạt 8.734 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ so với con số đầu kỳ. Nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 2.852 tỷ, trong đó nợ vay ngắn hạn 1.723 tỷ đồng, vay dài hạn chỉ 168 tỷ đồng. Vĩnh Hoàn có tổng cộng 3.833 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Theo ban lãnh đạo công ty chênh lệch biến động lợi nhuận sau thuế lớn so với cùng kỳ năm 2020 là do sản lượng bán tăng và giá bán tăng.
Trên sàn chứng khoán VHC được giao dịch quanh mốc 64.000 đồng/cổ phiếu, vốn hoá trên 11.600 tỷ đồng.
Doanh thu và Lợi nhuận sau thuế của VHC từ 2017-2021
Mới đây SSI Research có đưa ra báo cáo phân tích ngành thuỷ sản năm 2022.
"Chúng tôi kỳ vọng năm 2022 sẽ tương tự như năm 2021 ở một số khía cạnh như nhu cầu tăng mạnh từ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế, áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao. Chúng tôi thấy rằng giá cước có thể trở về bình thường sau khi tình trạng tắc nghẽn cảng được giải quyết trong quý 2/2022", SSI Cho hay.
Ngoài thị trường Mỹ, SSI kỳ vọng nhu cầu phục hồi tại Châu Âu và Trung Quốc sẽ mạnh hơn do 2 năm liên tiếp ở mức thấp, nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và nới lỏng hạn chế thủy sản tại các cảng của Trung Quốc. Do đó, SSI kỳ vọng giá bán bình quân sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi nhu cầu phục hồi.
SSI cho biết, giá cá nguyên liệu tăng 13% so với cùng kỳ và 8% so với quý trước trong quý 4/2021 do nguồn cung thiếu hụt do diện tích nuôi giảm khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hôi trong quý 3/2021. Dữ liệu của AgroMonitor cho thấy nguồn cung cá tra giảm -14% so với cùng kỳ trong tháng 11 tháng năm 2021. Theo VASEP, diện tích nuôi cá tra giảm 30-50% so với cùng kỳ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời trong quý 1/2022. Điều này sẽ làm tăng thêm chi phí cho cá nguyên liệu và có thể làm giảm biên lợi nhuận của các công ty sản xuất trong quý 1/2022 vì rất khó để chuyển hoàn toàn sang giá bán bình quân. Do chu kỳ nuôi cá tra là 6 tháng và giá cá nguyên liệu đã tăng nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ giảm dần trong quý 2/2022.
SSI ước tính VHC đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021/2022 là 25,7%/ 30,1% so với cùng kỳ dựa trên giả định giá bán bình quân cá tra philê tăng 10% trong năm 2022, trong khi mảng wellness và SGC dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu thuần lần lượt là +9% và +10% so với cùng kỳ. FMC đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021/2022 là 18,6%/49% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sản lượng tăng +25% so với cùng kỳ từ việc mở rộng công suất gần đây, trong khi giá bán bình quân được dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm 2022.