Nhiều doanh nghiệp ghi nhận những khoản tiền nhãn rỗi được đổ vào các kênh đầu tư trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp khó vì đại dịch Covid. Các thị trường chứng khoán tăng giá cho dù triển vọng không sáng sủa.
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) của nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh vừa công bố kết quả kinh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn 49% xuống 367 tỷ đồng do giá bán giảm và ảnh hưởng bởi Covid-19.
Khó khăn của Vĩnh Hoàn cũng giống như các doanh nghiệp thủy sản và doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác do xuất khẩu suy giảm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ hoạt động buôn bán trên khắp thế giới. Dịch bệnh khiến tiêu thụ hàng hóa sụt giảm.
Chiến lược trong năm 2020 của Vĩnh Hoàn là đầu tư cho cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị. VHC của nữ hoàng thủy sản Trương Thị Lệ Khanh có nhiều sản phẩm mới như collagen, gelatin, mỡ cá, bột cá,... Đây là những sản phẩm có thể giúp lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh trong các năm tới.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khó khăn rất lớn. Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm trong quý II đều khó khăn. Sản lượng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và Mỹ đều giảm mạnh, tương ứng -46% và -64%.
Cũng theo báo cáo tài chính, tính tới cuối quý II, VHC đã đầu tư 193,5 tỷ đồng vào chứng khoán, trong khi tiền gửi ngân hàng là 1.530 tỷ đồng.
Những con số này cho thấy, VHC là một trong các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, kết quả của những năm tháng ăn nên làm ra. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy khó khăn của doanh nghiệp này trong hoạt động kinh doanh cốt lõi: chế biến và xuất khẩu thủy sản, mà nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch VHC. |
Các gói kích cầu, lãi suất ngân hàng ở mức thấp và hoạt động của doanh nghiệp cầm chừng... là các yếu tố khiến dòng tiền chảy vào TTCK.
CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) cũng là một doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền mặt khủng, lên tới gần 1,54 nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng và gần 100 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền khác. NTC đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác khoảng 374 tỷ đồng.
Trong quý II, NTC ghi nhận 44,5 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính trong đó có 36,6 tỷ đồng lãi tiền gửi, lãi cho vay và gần 8 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia.
Không chỉ Vĩnh Hoàn và Nam Tân Uyên, nhiều doanh nghiệp trên sàn tích lũy được lượng tiền mặt lớn và tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp. Đây là những công ty có sức chống chọi tốt trong thời kỳ dịch bệnh kéo dài và kéo tụt sức cầu trên thị trường.
Tính tới cuối 2019, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) là doanh nghiệp có dư tiền và tương đương tiền lớn nhất trên sàn chứng khoán, với tiền gửi lên tới gần 31 ngàn tỷ đồng.
Đây là một doanh nghiệp có nguồn thu khủng từ các phí liên quan tới hàng chục sân bay mà đơn vị này đang quản lý. Gần đây, ACV bắt đầu cắt giảm một số loại phí cho các hãng hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid, nhưng có lẽ với nguồn tiền tích lũy khổng lồ, doanh nghiệp này sẽ không trải qua một đợt khó khăn như phần lớn các doanh nghiệp Việt đang gặp phải.
Trong năm 2019, nguồn tiền gửi lớn đã đem về cho ACV gần 1,8 ngàn tỷ đồng tiền lãi. Lợi nhuận cả năm 2019 của ACG là hơn 10,3 ngàn tỷ đồng.
Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (GAS) cũng là một doanh nghiệp có lượng tiền mặt và tương đường tiền gần 29,4 ngàn tỷ đồng. Ông lớn máy nông nghiệp VEAM (VEA) có hơn 16,8 ngàn tỷ đồng còn Sabeco (SAB) có lượng tiền mặt 16,5 ngàn tỷ đồng.
Mặc dù tiền mặt nhiều nhưng không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi do đại dịch. Một phần trong số tiền được đổ vào các thị trường tài chính, giống như những gì đang diễn ra trên thế giới.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 5/8, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm và đã lên trên ngưỡng 830 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo MBS, chỉ số tăng không đi kèm với mức tăng của thanh khoản, bên cạnh đó trong các phiên thị trường tăng khối ngoại chỉ giao dịch với quy mô nhỏ hoặc bán ròng, mua ròng ở các phiên điều chỉnh. Nhà đầu tư đang có lợi thế T+ khi bắt đáy ở vùng giá 780-800 điểm. Do vậy thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc ở vùng 830-835 điểm trong các phiên sắp tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/8, VN-Index tăng 12,92 điểm lên 827,57 điểm; HNX-Index tăng 2,08 điểm lên 112,5 điểm. Upcom-Index tăng 0,39 điểm lên 55,89 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 4,7 ngàn tỷ đồng.
V. Hà