Sau dịp lễ Giáng sinh, các doanh nghiệp to đến cửa hàng nhỏ ồ ạt bán các sản phẩm mạ vàng, dát vàng: Từ linh vật trâu vàng đến tượng phật, đồ trang trí Tết mà theo lời quảng cáo là được mạ từ vàng non, vàng thật 24k.
Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo, khách hàng nên cẩn trọng kẻo mất tiền to chỉ để rước “đồ chơi rẻ tiền” về nhà.
Đồ mạ vàng hút khách
Chỉ còn gần 20 ngày nữa là Tết, chị Hồng Liên (Thanh Xuân, Hà Nội) lại phấn chấn đi sắm đồ về bày biện, trang trí nhà cửa. “Ngoài câu đối và phụ kiện để treo cành đào thì mình cũng chọn được một bộ tượng trâu mạ vàng rất đẹp, với mong muốn một năm mới sung túc, nhiều tài lộc”, chị Liên cho hay.
Những năm gần đây, xu hướng trưng bày, biếu, tặng vật phẩm con giáp phong thủy đã trở nên thịnh hành. Năm 2021 là năm Tân Sửu. Trâu là linh vật biểu tượng cho sự an lành và no đủ. Bởi vậy, các sản phẩm trâu dát vàng, trâu mạ vàng... đang là một trong những mặt hàng được “săn lùng” nhiều nhất hiện nay.
Một trong những mẫu trâu mạ vàng đang được săn đón để làm quà biếu tặng trong dịp Tết Tân Sửu |
Chiều lòng khách hàng, nhiều công ty, doanh nghiệp nhanh chóng cho ra đời rất nhiều mẫu mã, kiểu dáng, từ hàng rẻ tiền đến hàng cao cấp. Phổ biến nhất là các sản phẩm trâu gốm giả mạ vàng đang được các cơ sở sản xuất tại làng Bát Tràng bán giá từ 20 - 100 nghìn đồng/con. Bên cạnh đó, thị trường còn có dòng sản phẩm cao cấp trâu bằng gốm sứ hoặc bằng đồng được các cơ sở sản xuất giới thiệu là mạ từ vàng 18k, thậm chí 24k (vàng 9999). Các loại tượng trâu vàng này dao động từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Đặc biệt, có loại trâu vàng cao cấp giá lên tới 50 - 60 triệu đồng.
Chị Thu Tâm, chủ một cửa hàng bán đồ nội thất phong thuỷ trên phố Lê Duẩn cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế nhìn chung khó khăn nên sức mua của người tiêu dùng giảm sút, tuy nhiên, 1-2 tháng gần đây, lượng khách đến mua linh vật trâu mạ vàng rất nhiều. “Chủ yếu là họ mua để làm quà tặng cuối năm. Đặc biệt, các sản phẩm cao cấp dù đắt tiền nhưng vẫn rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, để sản phẩm hút khách, hình trâu phải được đánh bóng kỹ càng. Linh vật phải sinh động, có hồn, khác với các mẫu đại trà”, chị Tâm chia sẻ.
Ngoài tượng trâu vàng, trên thị trường còn xuất hiện nhiều quà tặng mạ vàng khác phục vụ Tết Tân Sửu như tranh trâu vàng, tranh chữ Lộc mạ vàng, Tượng Thần Tài mạ vàng, Tranh Cá Rồng phong thủy mạ vàng, bonsai mạ vàng, lá bồ đề mạ vàng ... Các sản phẩm này đều có giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng. Anh Mạnh Quân, Trưởng phòng kinh doanh của một thương hiệu chế tác đồ mạ vàng nổi tiếng ở Hà Nội cho biết, hiện tại ở Việt Nam có hai dòng sản phẩm phổ biến là mạ vàng và dát vàng. Mạ vàng nhưng thực chất là kỹ thuật sử dụng dung dịch vàng để phun, xịt còn dát vàng là dùng những lá vàng đã được cán mỏng để dát nhiều lần lên sản phẩm. Tuỳ thuộc sở thích mà khách hàng lựa chọn các sản phẩm dát vàng với nếp nhăn đặc trưng hoặc các sản phẩm mạ vàng với bề mặt mịn bóng.
Những chiếc lá bồ đề được rao bán trên facebook là hàng mạ vàng cao cấp, có giá 400-500 ngàn đồng |
Mập mờ đánh lận con đen?
Nhu cầu “săn lùng” hàng mạ vàng ngày càng cao khiến lượng cung ngày càng nhiều. Không chỉ các công ty to, uy tín mà nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, thậm chí trang facebook cá nhân cũng rao bán đủ các loại đồ trang trí, quà tặng mạ vàng. Từ đó dẫn đến hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”.
Năm ngoái, chị Thuỳ Liên (Đống Đa, Hà Nội) từng mua một tượng gốm được giới thiệu là mạ vàng 24k, không bao giờ bong tróc, với giá 10 triệu đồng để mừng tân gia người bạn. Tuy nhiên, một thời gian sau, khi đến chơi nhà bạn, chị vô tình nhìn thấy tượng “vàng thật” đã bị bong tróc, loang lổ màu, nằm lẫn lộn trong đống đồ chơi của trẻ nhỏ. Vừa ngại với bạn, vừa xót tiền lại vừa bực mình nhưng chị cũng không biết “kêu” với ai bởi sản phẩm này chị mua trên mạng và được ship đến tận tay.
“Nhiều người có thú chơi mạ vàng nhưng lại không hiểu biết về sản phẩm này. Không thể có hàng mạ vàng 24k mà chỉ vài trăm nghìn. Nhưng cũng không phải cứ bỏ vài chục triệu ra là mua được hàng chất lượng. Nhiều công ty sẵn sàng vì lợi nhuận mà mạ vàng non 8k, 10k hoặc trà trộn hàng Trung Quốc và bán với giá vàng 24k”, anh Mạnh Quân chia sẻ.
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt, các loại linh vật mạ vàng thực chất là đất nung tạo hình được dán lên bên ngoài bằng các lớp giấy mạ vàng. Để làm ra sản phẩm mạ vàng, người ta buộc phải sử dụng một loại giấy mạ vàng đặc biệt để dán vào sản phẩm. Loại giấy này chứa hàm lượng vàng là bao nhiêu, có kim loại vàng hay chỉ là đồng và các loại bột tạo màu, tùy vào nhà sản xuất. Loại giấy mạ vàng này có rất nhiều loại, loại tốt nhất là mạ vàng 5-6%, có những loại tên là giấy mạ vàng nhưng thực chất không có thành phần kim loại nào là vàng. Nếu lớp giấy này không có vàng hoặc thành phần vàng rất ít thì chỉ sau một thời gian ngắn là chúng biến màu, trông xỉn đi rất khó nhìn.
“Hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định bỏ ra một số tiền lớn để mua tượng linh vật làm quà biếu. Đó là chưa kể có những nơi làm ăn thiếu đạo đức, sử dụng loại “vàng mã” để dán lên sản phẩm rồi quảng cáo là mạ vàng, đánh lừa người tiêu dùng”, GS.TSKH Phan Trường Thị phân tích.
Đáng nói là với mắt thường thì không thể phân biệt được sản phẩm mạ vàng thật và giả như thế nào. Do đó, GS.TSKH Phan Trường Thị cũng khuyên rằng, với những món quà có giá trị đến hàng chục triệu đồng, khi mua, người mua nên đem đến các phòng kiểm định vàng bạc để xác định thành phần vàng. Còn theo anh Mạnh Quân, với những khách hàng muốn mua quà tặng mạ vàng thật đảm bảo chất lượng, đầu tiên cần tìm đến những đơn vị chế tác có uy tín, được nhiều người dùng đánh giá cao, đồng thời lưu tâm đến thời gian bảo hành để có chính sách bảo trì sản phẩm khi hư hỏng.
(Theo Tiền Phong)