Dồn dập tin tác động
Ngày 27/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết giá bán USD ở mức 23.349 đồng/USD, tăng 3 đồng so với cùng thời điểm ngày hôm trước trong khi giá mua vào vẫn duy trì 22.700 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá mua - bán USD hiện đang là 23.400-23.440 đồng/USD, giảm 10 đồng mua vào, tăng 10 đồng bán ra. Chốt cả tuần, tỷ giá USD/VND trên cả thị trường chính thức lẫn tự do đều tăng trở lại. So với thời điểm chiến tranh thương mại chính thức nổ ra là ngày 15/6/2018, tỷ giá chính thức, tự do và tham chiếu đã tăng lần lượt 2,22%; 2,14% và 0.52% còn so với đầu năm là 2,71%; 3,04% và 1,28%
Nhìn lại phản ứng chung của thị trường thế giới trước đó vài ngày khi chiến tranh thương mại giữa “hai ông lớn” tiếp tục căng thẳng, đồng USD đã mất giá khá mạnh với chỉ số USD Index có thời điểm rơi xuống dưới 94 điểm nhưng phục hồi trở lại lên 94, 22 điểm vào cuối tuần qua. Ngày 27/9, đồng USD trên thị trường quốc tế tăng khá mạnh ở thời điểm quan trọng nhưng giới đầu tư vẫn đang chờ những tín hiệu về chính sách từ phát biểu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ về việc có hay không tiếp tục tăng lãi suất USD.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định sẽ không phá giá đồng CNY để làm “vũ khí” trong chiến tranh thương mại, giúp tỷ giá USD/CNY giảm nhẹ và duy trì ổn định. Ngoài vấn đề Mỹ - Trung, thị trường còn chú ý đến phiên họp của Hội đồng Châu Âu với nội dung về Brexit.
Diễn biến này tác động ra sao đến VND và nền kinh tế Việt? Theo Công ty chứng khoán MBS, trong nước, tình hình hiện đang có một số thuận lợi như: nửa đầu tháng 9 thặng dư thương mại lên tới 880 triệu USD tiếp tục hỗ trợ tỷ giá ổn định.
Lo chiến tranh tiền tệ?
Phân tích về diễn biến tỷ giá, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, từ nay đến cuối năm 2018, tỷ giá sẽ chưa có biến động mạnh. Tuy nhiên, nếu xảy ra cuộc chiến tiền tệ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo nên cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện thì VND tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 27/9, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết: Diễn biến đang trong tầm kiểm soát và có dấu hiệu tốt như: Kim ngạch xuất khẩu tốt, nguồn ngoại tệ để trả nợ vốn vay nước ngoài cũng nằm trong kế hoạch. Đặc biệt, dù dòng vốn ngoại tệ có vào - có ra nhưng cân đối vẫn đang ở lại thị trường và tăng nhẹ với việc vốn ngoại vào Việt Nam qua M&A (mua bán, sáp nhập) vẫn có xu hướng tăng.
Về lãi suất tiền đồng, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ NHNN nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ giữ ổn định thị trường tránh biến động mạnh cả cho vay và huy động.
Về ý tưởng giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu, SSI cho rằng, cần có cái nhìn dài hạn và tổng thể. Thứ nhất, các đồng tiền trong khu vực dù mất giá nhanh hơn VND trong thời gian qua nhưng lại lên giá khá nhiều so với VND. Điều này có nghĩa, xuất khẩu của Việt Nam đã được hưởng lợi trong một thời gian dài. Thứ hai, lượng vay nợ ngoại tệ của Việt Nam rất lớn nên lợi ích từ xuất khẩu cần phải cân đối với cái hại của áp lực trả nợ nước ngoài.
Theo dự báo, nhiều khả năng cho thấy FED sẽ tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2018 và tiếp tục tăng nhịp độ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2019. Còn theo thống kê của NHNN, từ đầu năm tới nay, chính xác tỷ giá đã tăng khoảng 2,8%. Dự trữ ngoại hối từng lên mức kỷ lục hơn 63 tỷ USD trong tháng 6/2018, tuy nhiên qua những “đợt sóng” tác động từ chiến tranh thương mại, với cam kết sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường, tính chung, NHNN đã bán ròng khoảng hơn 2 tỷ USD cho ngân hàng, doanh nghiệp.