Quỹ từ thiện lớn nhất hành tinh
Ra đời năm 2000, Bill & Melinda Gates Foundation là một quỹ từ thiện tư nhân được sáng lập bởi tỷ phú Bill Gates và vợ, bà Melinda. Có trụ sở tại Seattle, Washington, quỹ từ thiện này đang nắm giữ lượng tài sản trị giá 50,7 tỷ USD, biến nó trở thành quỹ từ thiện lớn nhất thế giới. Ngoài vợ chồng tỷ phú Bill Gates, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng đóng góp nhiều tài sản cho quỹ.
Ngay từ khi ra đời, quỹ Bill & Melinda Gates đã mang sứ mệnh làm thay đổi thế giới. Mục tiêu chính của nó trên toàn cầu là tăng cường chăm sóc sức khỏe con người cũng như giảm những người nghèo đói đến cùng cực. Tại Mỹ, nó có sứ mệnh mở rộng cơ hội giáo dục và tiếp cận thông tin cho tất cả mọi người.
Cuối tháng Giêng vừa qua, Bill Gates đã tham gia phong trào 10 năm nhìn lại với dòng thông điệp trên mạng xã hội: "Thật khó để đánh bại thử thách 10 năm này" cùng hình ảnh cho thấy trong 10 năm qua, tình trạng nghèo đói cùng cực, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và nạn mù chữ ở thanh thiếu niên đã giảm xuống trong khi tuổi thọ con người tăng lên.
Bill Gates có sử dụng mạng xã hội nhưng không phải không sao trên những nền tảng này dù mọi người đều thừa nhận ông luôn khiến cả thế giới chú ý. Nhà đồng sáng lập Microsoft, người từng nhiều năm dẫn đầu danh sách những người giàu có nhất thế giới, đã buông bỏ các hoạt động kinh doanh để làm từ thiện. Ông cũng cam kết cho đi phần lớn tài sản, vốn lên tới gần 100 tỷ USD của mình.
Với những gì đã đạt được trong suốt gần 20 năm qua, không ai có thể nghi ngờ quyết tâm làm từ thiện của Bill Gates cũng như mục đích mà Bill & Melinda Gates Foundation hướng tới. Nhà đầu tư huyền thoại Buffett, người giàu thứ 3 thế giới với khối tài sản 82,7 tỷ USD, cũng đã quyên góp rất nhiều tiền vào quỹ từ thiện mang tên người bạn thân thiết.
Là một quỹ từ thiện, Bill & Melinda Gates Foundation buộc phải cho đi 5% tổng số tài sản của mình mỗi năm. Số tiền này sẽ được dùng để phục vụ các cam kết từ thiện. Nhằm tăng tính minh bạch, tháng 11/2014, quỹ Bill & Melinda Gates cho phép mọi người truy cập không giới hạn vào dữ liệu hoạt động của mình, động thái được nhiều người hoan nghênh.
Hiện tại, 1.500 nhân viên của Bill & Melinda Gates Foundation đang nỗ lực giải quyết những vấn đề phức tạp bậc nhất thế giới. Đó không chỉ là minh bạch hóa số liệu mà còn tìm ra lời giải cho việc kiểm soát các dịch bệnh lây nhiễm, bao gồm cả bệnh lây qua đường tình dục như HIV/AIDS, nâng cao sức khỏe ở những khu vực nghèo đói nhất trên thế giới hay nghiên cứu phát triển nông nghiệp…. Những kết quả đã đạt được cho thấy một sự lạc quan.
Bước ngoặt của Bill & Melinda Gates Foundation
Cuối những năm 1900, người điều hành đầu tiên của William H. Gates Foundation, quỹ tiền thân của Bill & Melinda Gates Foundation, là ông Bill Gates, Sr., cha của tỷ phú Bill Gates. Thời điểm đó, quỹ này chỉ tập trung vào các hoạt động từ thiện địa phương. Bước ngoặt của nó tới khi Bill Gates đọc một bài báo nói về việc trẻ em ở những nước nghèo chết vì những bệnh có thể phòng tránh được.
Ông ấy gửi bài báo cho bố với dòng nhắn: "Bố ơi, có lẽ cũng ta có thể làm điều gì đó để thay đổi việc này". Đó cũng là dấu mốc cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt của quỹ. Giờ đây, Bill & Melinda Gates Foundation đang đóng vai trò lớn trong việc cải thiện sức khỏe toàn cầu. Nó phát huy hiệu quả hơn nữa khi vợ chồng tỷ phú Bill Gates cùng nhau điều hành tổ chức.
Năm 2007, Bill & Melinda Gates Foundation đã tham gia nỗ lực toàn cầu để loại trừ bệnh bại liệt. Năm 1988, ước tính có khoảng 350.000 ca bại liệt trên toàn thế giới. Năm 2018, chỉ còn 29 trường hợp được báo cáo. Thành công lớn với việc loại trừ bệnh bại liệt là nguồn tự hào và cảm hứng để quỹ tiếp tục tiến xa hơn về phía trước.
Với những người thực hiện, thành công này chính là bằng chứng cho thấy những vấn đề nan giải, chẳng hạn như phân phối vắc xin cho trẻ em nghèo ở những khu vực xa xôi, có thể được giải quyết bởi những người thông minh và những hệ thống có thể áp dụng được ở nhiều nước.
Philip Welkhoff là giám đốc phụ trách nhóm chống sốt rét của Bill & Melinda Gates Foundation. Sinh ra và lớn lên ở Haiti, Welkhoff từng bịt sốt rét khi còn nhỏ. Sau này, ông trở thành một nhà khoa học tên lửa sau đó có bằng tiến sĩ về thần kinh học. Tuy nhiên, Welkhoff đã chuyển sự quan tâm của mình sang vấn đề sức khỏe toàn cầu. Ông yêu công việc của mình hiện tại vì nó giúp cứu nhiều mạng người.
"Những công việc mà cộng đồng quốc tế đã làm cùng nhau góp phần cứu 500.000 người khỏi bệnh sốt rét mỗi năm so với thời điểm những năm 2000. Đó là nửa triệu người không phải mất mạng hàng năm", Welkhoff chia sẻ.
Hiện tại, thử thách với nhóm là tiếp cận những khu vực xa xôi nhất, nơi thiếu trầm trọng về chuyên môn y tế nhưng lại có thừa những ổ dịch. Chưa có vắc xin chống sốt rét nào được phát minh nhưng họ giải quyết vấn đề bằng loại màn có thể diệt muỗi. Tuy nhiên, virus gây sốt rét có thể lan truyền giữa các cộng đồng thông qua vật chủ nên việc thanh toán sốt xuất huyết phức tạp hơn nhiều so với loại trừ bại liệt.
Đột phá từ bồn cầu không dùng nước
Một trong những dự án được cả thế giới chú ý của Bill & Melinda Gates Foundation là nhà vệ sinh không dùng nước. Tỷ phú Bill Gates, người từng khiến cả thế giới thay đổi với hệ điều hành Window, yêu cầu các nhà khoa học suy nghĩ lại về nhà vệ sinh. Gates đặt ra yêu cầu về một nhà vệ sinh có thể tái tạo vào năm 2011.
Nhằm hướng tới những khu vực khó khăn và nghèo khổ nhất thế giới, Gates yêu cầu các nhà khoa học tạo ra một nhà vệ sinh có thể xử lý chất thải của con người mà không cần nước, điện, đường ống hoặc hệ thống tự hoại. Nhà vệ sinh phải tự xử lý chất thải để nó an toàn cho việc sử dụng làm phân bón và lấy lại nước theo tiêu chuẩn có thể uống được.
Ban đầu, nó dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, một sản phẩm theo chuẩn Bill Gates đưa ra có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống ở những nơi nhà vệ sinh là thứ gì đó quá xa xỉ. Các nhà khoa học đã phải mò mẫm từng bước, từng bước để có thể thỏa mãn từng đòi hỏi của Bill Gates. Quá trình này kéo dài gần 10 năm với khoản kinh phí lên tới 200 triệu USD.
Brian Arbogast hiện đang là giám đốc phụ trách dự án nhà vệ sinh của quỹ Bill & Melinda Gates Foundation. Công việc của Arbogast không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy phát triển các nhà vệ sinh thế hệ mới mà còn là các dự án nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh của con người.
Arbogast là một trong những nhân viên đầu tiên của Microsoft. Trải qua 22 năm cống hiến, ông đã trở thành Phó chủ tịch của tập đoàn. Tuy nhiên, ông rời công ty và tập trung vào đầu tư trước khi tham gia các tổ chức tình nguyện chuyên hoạt động để đảm bảo nước sạch. Arbogast từng hợp tác chặt chẽ với Bill Gates trong nhiều thập kỷ trước khi gia nhập quỹ từ thiện năm 2013.
"Khi dự án này được bắt đầu, không ai biết liệu nó có thể trở thành hiện thực hay không. Tuy nhiên, năm 2015, một nhà phát minh đã tạo ra hệ thống gọi là Bộ xử lý Omni. Đó không phải một nhà vệ sinh mà là một một nhà máy xử lý phân và nước. Một ngày nào đó, nó thậm chí còn tạo ra được điện", Arbogast chia sẻ.
Với Bộ xử lý Omni, những yêu cầu của Bill Gates đều đã được đáp ứng. Năm 2015, đích thân Bill Gates đã uống nước thải được xử lý bởi Omni. Đó thực sự là một dấu mốc làm thay đổi tất cả mọi thứ trong lĩnh vực nhà vệ sinh.
"Hai tuần trước khi Bill uống thứ nước đó. Tôi và tất cả các thành viên trong đội đều đã uống thử nó", Arbogast kể lại.
Melinda Gates cũng cho biết con gái bà đã uống loại nước này. Bill Gates thì luôn mang theo một chai 2 lít đựng loại nước này trong ô tô và thỉnh thoảng khi có ai đó lên xe, con gái họ lấy loại nước này ra mời uống. Nó phải rất an toàn.
Tuy nhiên, những bồn cầu loại này vẫn đang trong quá trình phát triển và nước của nó phù hợp hơn với việc tưới cho cây trồng.
Bồn cầu thế hệ mới không cần dùng nước