Sự xuất hiện của các sản phẩm giá rẻ trên sàn thương mại điện tử Temu vừa qua như một “cơn lốc”.Ở góc độ người tiêu dùng, ông thấy sao về loại hình mua - bán này?
Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận, đây là câu chuyện hết sức thuần túy của thị trường. Mặt khác, đây cũng là một tin vui cho thị trường, đặc biệt trong một lĩnh vực còn đang mới mẻ và sẽ trở thành xu thế chủ yếu trong mua - bán hàng hóa, nhất là với các sản phẩm thông dụng.
Trên thế giới, sự xuất hiện của Temu không phải mới, nó đã tạo ra một làn sóng rất mạnh từ Trung Quốc và ngay cả Mỹ cũng như một số nước Đông Nam Á. Temu vào Việt Nam, trước tiên sẽ tốt cho thị trường, vì người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Về bản chất, loại hình này cũng giống như các trang thương mại điện tử thông thường khác, họ tạo ra sự tiện dụng cho người mua.
Mặt khác, sự xuất hiện của Temu cũng khiến thị trường cạnh tranh hơn, không phụ thuộc vào kênh độc quyền nào. Đứng ở góc độ người tiêu dùng đương nhiên chúng ta phải ủng hộ điều này. Do vậy, chúng ta cần phải bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá khách quan, xem cái được là gì, nguy cơ rủi ro là gì, để từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp.
Đứng về phía người tiêu dùng là như vậy, còn ở góc độ quản lý nhà nước thì sao, thưa ông?
Pháp luật của chúng ta đã tương đối hoàn thiện, có quy định đầy đủ với loại hình này. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rõ về mua và bán trên các trang thương mại điện tử . Chúng ta đã có nghị định quy định rất chặt chẽ vấn đề này và cũng có Hiệp hội thương mại điện tử … Tóm lại, về quy định pháp luật thì khá yên tâm. Tuy nhiên, pháp luật quy định đến đâu, ứng xử thế nào với tình huống như sự xuất hiện của Temu như vừa qua?
Tại sao Indonesia và Thái Lan có những cách ứng xử mạnh mẽ với Temu như vậy? Thậm chí, Indonesia cấm luôn, còn Thái Lan đánh thuế cao, Mỹ thì đưa ra những rào cản nhất định… Do vậy, chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh, phân tích xem cách thức, biện pháp Temu triển khai ra sao khi bị thị trường các nước phản ứng như vậy.
Hiện, theo tìm hiểu của tôi, dòng tiền của Temu trong năm qua khoảng 20 tỷ USD - một con số cực kỳ lớn. Nên chúng ta cần xác định, thị trường nào tiềm năng với khoảng 100 triệu dân như Việt Nam, họ sẽ hướng tới. Đặc biệt, điều đáng nói là, họ sử dụng biện pháp cạnh tranh cực kỳ quyết liệt, thậm chí có phần tiêu cực, khi dùng biện pháp giảm giá cực sâu, tập trung vào mặt hàng giá rẻ, thông dụng.
Vấn đề đặt ra, họ có tuân theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam không? Chúng ta đã có quy định, họ vào bằng con đường nào, chất lượng và xuất xứ hàng hóa ra sao? Do vậy, các cơ quan cần phải quản cho bằng được về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, không để người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, không để biến thị trường trở thành “bãi rác” các mặt hàng giá rẻ, nhất là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thu thuế hàng giá trị nhỏ dưới 500 nghìn đồng
Câu chuyện về thị trường, cá lớn nuốt cá bé, hàng nội trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà, liệu có phải điều đáng để quan tâm, thưa ông?
Quả thực về lâu dài, đây chính là mối lo lắng của chúng ta. Tôi được biết, Temu phục vụ các “thượng đế” rất nhanh, vì họ tạo ra những kho khổng lồ ngay trên biên giới, có thể thần tốc đưa hàng vào tận trong nước để chiếm lĩnh thị trường. Khi đã tràn ngập hàng, đảm bảo được cả phần hậu cần, chắc chắn họ sẽ đánh bại các hàng khác, vì họ nhanh hơn, nhiều hơn và rẻ hơn.
Về sâu xa, lý do nhiều nước phản ứng mạnh như vậy, có lẽ vì họ cho rằng, nếu để các trang thương mại điện tử như Temu chiếm lĩnh thị trường, thì doanh nghiệp nội địa của mình sẽ chết. Khi đó họ sẽ nắm được toàn bộ quy trình, từ sản xuất, khâu trung gian, phân phối, đến cuối cùng là người tiêu dùng. Có lẽ, đây cũng là vấn đề chúng ta phải hết sức chú ý.
Tôi ví dụ, một sản phẩm hàng nội địa có giá 70 nghìn, nhưng cũng sản phẩm ấy, họ chỉ bán 20 nghìn. Vậy người tiêu dùng sẽ mua mặt hàng nào? Do vậy, ngoài người tiêu dùng, rất cần có giải pháp kịp thời để bảo vệ các mặt hàng và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Có thể vì điều này mà một số nước có phản ứng rất tức thì. Chúng ta không nhất thiết phải cấm cực đoan như vậy, nhưng cũng cần phân tích xem cái gì được, cái gì chưa để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Vậy theo ông, giải pháp phù hợp cần thiết nhất lúc này là gì?
Đầu tiên, tôi cho rằng phải xử lý ngay về mặt thu thuế với Temu . Ngay cả với các mặt hàng giá trị nhỏ 200 nghìn hay 500 nghìn cũng cần phải áp thuế. Quốc hội đang xem xét, sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó có quy định về thương mại điện tử , mua bán qua biên giới, đặc biệt hàng giá trị thấp dưới 1 triệu đồng. Chúng ta cần phải cho phép thực hiện điều này. Việc thu thuế không chỉ góp phần tăng thu ngân sách mà còn giám sát được nguồn hàng, quản lý được nguồn tiền và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng.
Thứ nữa, chúng ta cũng không khuyến khích các sản phẩm kém chất lượng, mà phải đa dạng sản phẩm, đa dạng nguồn cung cấp và tránh việc thiết lập hệ thống sản xuất khi họ đã chiếm lĩnh được thị trường. Do vậy, cần kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng sản phẩm như tôi vừa đề cập. Nếu xảy ra trường hợp vi phạm về chất lượng, phải xử lý nghiêm để cảnh tỉnh, yêu cầu họ thực hiện nghiêm theo quy định của mình. Indonesia cấm luôn, bởi vì họ cho rằng Temu quảng cáo không đúng, chất lượng kém, không rõ xuất xứ, rồi liên quan đến vấn đề thuế.
Về chiến lược, các trang thương mại điện tử ở trong nước cũng phải có biện pháp để phát triển, đủ sức cạnh tranh. Thực tế cho thấy, một vài thương hiệu lâu nay của chúng ta đã lụi dần. Do vậy, nhà nước cần có một số cơ chế phù hợp, trong đó cần ưu đãi về thuế để đẩy họ lên. Tôi cho rằng, người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam, nếu công khai minh bạch, rõ ràng nguồn gốc.
Cảm ơn ông!