Sở GDCK Hà Nội vừa thông báo chấp thuận cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển Công Nghiệp – CTCP (Becamex IDC – mã chứng khoán BCM) được đăng ký giao dịch bổ sung 1.010.223.700 cổ phiếu BCM.
Giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch bổ sung hơn 10.102 tỷ đồng. Đây là số cổ phần ESOP phát hành cho người lao động trong công ty và cổ phần do Nhà nước nắm giữ. Trước đó Becamex IDC thông báo đã hoàn tất phát hành hơn 22,41 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động trong công ty.
Như vậy, sau khi hoàn tất thủ tục Becamex IDC tăng vốn điều lệ lên 10.350 tỷ đồng, tương ứng toàn bộ 1.035.000.000 cổ phần đăng ký giao dịch. Với thị giá hiện tại, sau khi số cổ phiếu này lên sàn, vốn hóa thị trường của Becamex IDC sẽ rơi vào khoảng 34.360 tỷ đồng.
Nhìn lại gần 2 năm trước, cuối năm 2017 Becamex IDC đưa 311,2 triệu cổ phiếu ra bán đấu giá lần đầu ra công chúng trong phiên IPO, tương ứng 23,6% vốn điều lệ lúc đó của Tổng công ty. Tuy nhiên, phiên IPO đã "ế nặng" khi nhà đầu tư chỉ mua hơn 23,36 triệu cổ phiếu, chiếm 6% lượng cổ phiếu mang ra chào bán.
Sau đó không lâu, đầu năm 2018 Becamex IDC tiếp tục đưa số cổ phần còn lại ra bán đấu giá nhưng lại tiếp tục "ế", chỉ hơn 5 triệu cổ phiếu được đặt mua.
Theo phương án cổ phần hóa, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex IDC có vốn điều lệ dự kiến 13.170 tỷ đồng. Trong đó Becamex IDC đưa ra bán đấu giá 311,2 triệu cổ phần trong đợt IPO, tương đương 23,6% vốn điều lệ dự kiến. 25% cổ phần sẽ chào bán cho cổ đông chiến lược; 0,4% bán ưu đãi cho nhân viên, còn lại Nhà nước vẫn nắm giữ 51% vốn.
Ế nặng sau 2 đợt đấu giá, Becamex IDC đưa hơn 23 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 31.000 đồng/cổ phiếu.
Đến nay, sau gần 2 năm lên sàn, cổ phiếu BCM đã tăng mạnh, đạt đỉnh ở mức 35.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 6/8/2019 (giá đã điều chỉnh). Tuy nhiên sau đó BCM giảm nhẹ và hiện giao dịch quanh mức 33.200 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu BCM từ khi lên sàn.