Chia sẻ tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ tháng 9 chiều 30/8, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn dù có sự gia tăng trở lại nhưng đang được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của TPHCM trong 8 tháng đầu năm. Các khối dịch vụ, du lịch đang có mức tăng trưởng tốt mang lại kỳ vọng mới cho sự phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn cuối năm.
Sau đại dịch COVID-19 các mũi nhọn kinh tế - xã hội tại TPHCM đang được chú trọng phát triển
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP nói sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đang đối mặt với khó khăn. “Qua theo dõi, tổng hợp, chúng tôi nhận thấy đà tăng trưởng của công nghiệp ở mức thấp. Dự báo từ nay đến cuối năm, nguy cơ mức tăng trưởng có thể tiếp tục ở mức thấp vì chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng. Thành phố không đặt vấn đề tăng nhanh về lĩnh vực công nghiệp trong những tháng cuối năm nhưng chúng ta cần phải có giải pháp để chặn đà giảm sâu”- ông Mãi thông tin.
Báo cáo tại cuộc họp của UBND thành phố cho thấy, tính đến tháng 8/2022, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính chung 8 tháng đầu năm, ước tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ giảm 6,6%). Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu gồm sản xuất hàng điện tử; hóa dược - cao su - nhựa; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; cơ khí 8 tháng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,8%).
Tuy nhiên, tại các Khu Công nghệ cao giá trị sản xuất và xuất khẩu đang giảm. Cụ thể, giá trị sản xuất trong tháng 8 ước đạt 1,389 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt 1,094 tỷ USD, giảm 29,7% so với cùng kỳ và giá trị nhập khẩu đạt 0,989 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 16,786 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt 12,504 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 12,458 tỷ USD. Lũy kế đến nay Khu Công nghệ cao có 160 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 12,036 tỷ USD.
Theo phân tích của ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM thì trên thực tế chỉ số sản xuất công nghiệp so với năm 2019 là năm trước dịch thì thành phố chỉ tăng được mức 1,2%. “Đây là mức thấp, một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn còn tăng chậm. Hiện nay, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào. Tình hình lạm phát ở các nước ảnh hưởng xấu đến sản xuất công nghiệp toàn cầu” - ông Hoàng nói.
Tại các Khu Công nghệ cao giá trị sản xuất và xuất khẩu đang giảm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của TPHCM
Theo ông Hoàng, với độ mở lớn của nền kinh tế như TPHCM nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp nhập khẩu chiếm hơn 42% khi giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường trong nước và sức cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Trong 8 tháng đầu năm, 62% kim ngạch xuất khẩu của thành phố được tạo ra từ các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) nền kinh tế phụ trợ và liên kết với khu vực kinh tế trong nước với FDI còn thiếu và lỏng lẻo. Điều này cho thấy yếu tố chưa bền vững trong sản xuất của các đơn vị, ảnh hưởng đến dư địa phát triển cho năm sau.
Hiện nay, niềm tin của doanh nghiệp và cộng đồng đối với thành phố đang ở mức tốt. Tuy nhiên, để nền kinh tế phải triển mạnh và bền vững, các đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng thành phố cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất.
Trước thực tế trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, thị trường công nghiệp toàn cầu đang khó khăn khiến các ngành có tỷ trọng lớn bị ảnh hưởng. Trong tháng 9 và từ nay đến cuối năm Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố các giải pháp để phát triển thị trường công nghiệp.
Ông Vũ nói: “Khó khăn các doanh nghiệp đang phải đối mặt trực diện hiện nay là sức mua toàn cầu giảm, tuy nhiên doanh nghiệp trong nước rất khó đo lường vì phụ thuộc vào nước ngoài. Thời gian tới Sở Công Thương sẽ tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp, tổ chức diễn đàn nhịp cầu Asean, diễn đàn lĩnh vực logictic kết nối cung cầu. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng”.