Lĩnh vực sản xuất trong năm 2018 tiếp tục được nhìn nhận như là một động lực cho tăng trưởng. Tuy nhiên, so với mọi năm, ngành công nghiệp trong nước đã có những dấu ấn đặc biệt.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng năm nay có thể xem là năm khởi sắc của ngành. Điều này thể hiện ở việc công nghiệp tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng với tốc độ có thể trên 10%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đi đầu với mức tăng 11 - 12%.
"Đây là sự phát triển đúng hướng mà chúng ta mong muốn cả trong trước mắt và trong trung dài hạn vì lĩnh vực này là xương sống của nền công nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá", ông nói.
Đặc biệt, trong công nghiệp chế biến chế tạo, ông Hồ cho rằng sự xuất hiện của các sản phẩm made in Vietnam của VinGroup là một hiện tượng.
"Chúng ta sẽ có ô tô, xe máy điện Vinfast và cả điện thoại thông minh VinSmart", ông Hồ hào hứng nói.
Theo đó, VinGroup trong một thời gian rất ngắn đã thực tế hoá được nhiều sản phẩm made in Vietnam mà người Việt đã ao ước từ lâu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi giữa tháng 11 đã phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" và coi ô tô, xe máy điện Vinfast là những sản phẩm tiên phong hưởng ứng phong trào này. Bởi đây được xem là lần đầu tiên Việt Nam có được những "sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu của nước nhà".
Thực tế, dù rằng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã có nhiều bước cải thiện đáng kể, công nghiệp được phát triển đều đặn nhưng nhiều mặt hàng tuy được sản xuất ở Việt Nam nhưng mang thương hiệu của các công ty mẹ, vốn ở nước ngoài.
Đất nước vì thế chưa có nhiều thương hiệu Việt có năng lực cạnh tranh cao, đạt đẳng cấp quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như ô tô, xe máy điện, điện tử…
Chính bởi vậy, chuỗi giá trị ô tô, xe máy điện này được xem là cột mốc đáng nhớ của ngành công nghiệp Việt nam trong năm 2018, chừng minh cho thế giới thấy Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới.
Tuy nhiên, những gì làm được trong năm 2018 vẫn chỉ là bước khởi đầu cho ngành công nghiệp trong nước. Ông Lưu Bích Hồ thẳng thắn cho rằng vẫn còn nhiều điểm nghẽn lớn của ngành mà cụ thể là sự vươn lên, chuyển dịch từ gia công sang chế biến chế tạo, giảm tỷ lệ của công nghiệp FDI còn quá lớn trong cả sản xuất và xuất khẩu.
"Do đó phải có sự bứt phá về công nghiệp phụ trợ mà lâu nay ta đã đặt ra nhưng chưa có được sự phát triển như mong muốn", ông nói.
Mặt khác, nguồn cung lao động trong ngành vẫn là một vấn đề khó khăn. Theo vị chuyên gia này, Việt Nam phải tăng tốc trong việc đào tạo cho người lao động nhưng điều quan trọng hơn cả là cần thêm sự chủ động của doanh nghiệp trong khâu này, bởi chỉ có họ mới là người hiểu rõ hơn hết nhu cầu của thị trường.
Cuối cùng, ông cho rằng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng cho công nghiệp, thực hiện mạnh hơn các khâu đột phá chiến lược đã đề ra.