Châu Âu - một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã đưa ra nhiều quy định về sản xuất xanh , bền vững. Sản xuất xanh cũng đang trở thành một xu thế tất yếu trên toàn cầu, bắt đầu từ các quốc gia phát triển, lan tỏa đến những nền kinh tế mới nổi.
Những quy định ngày càng cao đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất xanh, bền vững. Nếu không, trong tương lai, hàng hóa của Việt Nam sẽ rất khó để tiếp cận được với các thị trường khó tính. Đây đồng thời cũng được xem là giải pháp dài hạn để ứng phó với tình trạng kinh tế thế giới khó khăn, sụt giảm đơn hàng.
Từ năm 2022 đến nay, dù đúng trong thời điểm khó khăn, doanh nghiệp vẫn mở rộng được thị trường xuất khẩu nhờ đáp ứng trúng nhu cầu của bạn hàng châu Âu đối với các sản phẩm vải làm từ vật liệu thân thiện với môi trường như bã cà phê hay sen. Nhu cầu tăng tính bằng lần, cứ 10 khách tìm hiểu thì có 3 khách chốt đơn.
Chỉ sau hơn một năm, mảng xuất khẩu đã chiếm 5% tổng doanh thu của công ty. Doanh nghiệp cho biết, hiện nhu cầu từ thị trường thế giới với các sản phẩm dệt may có chất lượng vẫn ổn định.
"Các sản phẩm muốn xuất khẩu thì chúng tôi phải có các bản mô tả sản phẩm thận trọng, đáp ứng toàn bộ nhu cầu chứng minh về sản xuất bền vững và có thêm nhiều tính năng nhờ công nghệ sợi", bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám đốc Công ty CP Kết nối Thời trang Faslink, cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như dệt may, da giày do phần lớn vẫn là gia công, phụ thuộc vào các đơn hàng lớn, thâm dụng lao động nên chịu nhiều tác động khi kinh tế thế giới bất ổn. Tuy nhiên, các phân khúc thị trường cao cấp hơn, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn sản xuất vẫn còn nhiều dư địa.
"Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường buộc doanh nghiệp thay đổi để làm sao sản xuất xanh, giảm chi phí. Khi tham gia thị trường phải có các chứng chỉ, yêu cầu mà những thị trường khó tính đặt ra", ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đánh giá.
Theo giới quan sát, khó khăn lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh là vốn đầu tư. Ngoài nguồn tín dụng xanh ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tài chính, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị Nhà nước có các chính sách ưu đãi tín dụng, kích cầu đầu tư liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hiệu quả hơn.
"Để xanh hóa thì phải có quá trình chúng ta đầu tư. Nếu doanh nghiệp đầu tư cái này thì thành phố có chính sách hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất trong thời gian 5 - 7 năm, để doanh nghiệp mạnh dạn tái cơ cấu, chuyển đổi lại cấu trúc sản phẩm, đổi mới công nghệ của mình", ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần tăng cường khả năng đàm phán với bạn hàng, đối tác. Vì quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi sự tham gia, hợp tác của nhiều bên trong chuỗi giá trị, để quá trình diễn ra nhanh chóng với chi phi tiết giảm.