Đây là năm thứ hai liên tiếp hàng trăm lao động tỉnh Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm việc thời vụ tại các nông trại. Tính chung tính đến ngày 24-6, có hơn 1.000 lao động tại Đồng Tháp sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Trao đổi với phóng viên PLO, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp cho hay, do nguồn lao động ổn định, có tay nghề làm nông nên các chủ sử dụng lao động tại Hàn Quốc tiếp tục gia hạn, tiếp nhận thêm lao động thời vụ ba tháng.
Theo đó trong năm 2019, trung tâm sẽ có thêm ba đợt đưa lao động sang Hàn làm việc tại các nông trại để làm đất, xuống giống và thu hoạt ớt, cà chua và cải thảo trong các trang trại hoàn toàn khép kín. Do nhu công việc nên các chủ sử dụng khuyến khích các cặp vợ chồng cùng sang làm việc.
Công việc chủ yếu của người lao động là làm đất, xuống giống và thu hoạch trong các nhà kín. Ảnh: M.TUYẾT
Thời gian làm việc kéo dài trong ba tháng, sau đó tùy nhu cầu và đánh giá kỹ năng làm việc của các lao động , các chủ nông trại sẽ gia hạn thêm thời gian làm việc.
Bà Tuyết cho biết thêm, nếu như năm 2018, lương bình quân chủ các trang trại trả 33 triệu tháng thì năm 2019, mức lương tăng lên 40 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra chủ sử dụng lao động cung cấp chỗ ở, hỗ trợ gạo và thưởng khi kết thúc mùa thu hoạch về nước còn có thêm khoản tiền thưởng. "Có cặp vợ chồng làm việc chăm chỉ, được chủ sử dụng lao động phía Hàn quý mến, gia hạn tuyển ba đợt trong vòng hai năm có thu nhập khoảng nửa tỉ đồng", bà Tuyết thông tin.
Các nông dân tỉnh Đồng Tháp đang thu hoạch cà chua tại các nông trại ở Hàn Quốc. Ảnh: M.TUYẾT
Tại các trang trại, người lao động được bố trí chỗ ăn ở, riêng các cặp vợ chồng được bố trí phòng ở riêng với các vật dụng sinh hoạt đầy đủ như gia đình khép kín. Thời gian làm việc tám giờ/ngày, hai ngày cuối tuần được nghỉ ngơi.
Đáng chú ý, trước khi xuất cảnh người lao động chỉ bỏ ra chi phí khoảng 16 triệu đồng để lo các chi phí vé máy bay khứ hồi, phí làm visa, hộ chiếu, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp.