Theo công văn khẩn gửi đi, Bộ NNPTNT quyết định thành lập Đoàn công tác đến các cơ sở nắm bắt tình hình phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm cũng như dịch bệnh trên lớn và việc tái đàn lợn.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ làm trưởng đoàn công tác, cùng đi là một số thứ trưởng, lãnh đạo văn phòng bộ và một số cơ quan chức năng. Đoàn sẽ đến làm việc trực tiếp với Công ty CP Tập đoàn Dabaco, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam vào sáng 16/2.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong buổi làm việc với doanh nghiệp cuối năm 2019.
Trước đó, ngày 13/2, tại Hội nghị Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc, đại diện Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 đã xuất hiện tại 5 tỉnh thành ở nước ta (Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An, Quảng Ninh), buộc tiêu hủy khoảng 4 vạn con gia cầm. Trong đó có 9 ổ dịch chưa qua 21 ngày, 1 ổ dịch cúm A/H5N6 được phát hiện tại Quảng Ninh nhưng đến nay đã qua 21 ngày.
Kết luận hội nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đặt ra với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để đảm bảo bình ổn chỉ số giá tiêu dùng theo yêu cầu của Trưởng ban điều hành giá.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau 1 năm bùng phát, gây thiệt hại chưa từng có cho ngành chăn nuôi, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát.
"Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã qua thời kỳ phát bệnh, các doanh nghiệp, người dân đã thực hiện các biện pháp khống chế tốt. Tốc độ tái đàn tăng rất nhanh. Ở các địa phương quy mô hộ nuôi 100-200 con có những nơi tái đàn lần thứ 2" - Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, từ tháng 10/2019 chúng ta đã có chủ trương tái đàn, tốc độ tái đàn nhanh, bài bản, yêu cầu đăng ký để đảm bảo điều kiện. Đến nay, lợn tái đàn đã được xuất bán ra thị trường”
"Cố gắng tháng 10 năm nay ngành chăn nuôi lợn sẽ ổn định giống như thời điểm trước khi có dịch. Song, bản chất sẽ thay đổi, số hộ chăn nuôi giảm đi, đàn lợn giảm nhưng sản lượng thịt lợn lại tăng, hộ nuôi lớn nhiều, hộ nuôi nhỏ lẻ ít tham gia. Các doanh nghiệp chăn nuôi, hộ chăn nuôi lớn đều đi theo hướng an toàn sinh học" - Bộ trưởng dự đoán.
Riêng về giá lợn, trong tuần tới này Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngành giảm xuống mức giá 75.000 đồng/kg.
“Phải bảo vệ thị trường bền vững, tôi khuyến nghị doanh nghiệp giảm giá ngay lập tức”. Theo Bộ trưởng Cường, giá lợn hơi xuất chuồng 75.000 đồng/kg là hợp lý.
"Nếu doanh nghiệp không chịu giảm giá thì chúng ta có luật, Bộ sẽ rà soát những ưu đãi trước đó mà doanh nghiệp được hưởng để tiến hành thay đổi. Còn doanh nghiệp nào thực hiện tốt việc giảm giá sẽ được biểu dương ngay" - người đứng đầu ngành nông nghiệp cương quyết.
Bộ trưởng Cường cho rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành phải biết bảo vệ thị trường sản xuất bền vững. Giá thịt lợn phải ở mức độ hợp lý hài hòa thì mới bền vững.