"Ám ảnh với những thể loại mời mọc ấy nên nhiều khi số máy lạ không dám nghe thì lại là những cuộc gọi quan trọng khác. Rất mong dự thảo này sớm được đưa vào thực hiện nghiêm", bạn đọc bày tỏ.
Đề xuất xử phạt từ 50 đến 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân như tên, năm sinh, số điện thoại... mà chưa được sự đồng ý của cá nhân - là nội dung được đề cập trong dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an xây dựng.
Dự thảo Nghị định sẽ được xin ý kiến các Bộ, ban ngành trong hai tháng.
Thông tin này có lẽ là điều mà người dân mong chờ từ rất lâu, bởi sự phiền toái, bực bội đến từ những cuộc gọi chào mời "không mong muốn" liên tục diễn ra dưới mọi chiêu trò.
"Sáng rút tiền ngân hàng, chiều có người mời mua chung cư!"
Đó là chia sẻ của bạn đọc Thanh Tùng gửi về Dân trí: "Nhiệt liệt ủng hộ đề xuất của Bộ Công an. Tôi bị làm phiền nhiều quá rồi, ôm rất nhiều cục tức nữa. Làm việc, giao dịch chuyện gì cũng phải khai đầy đủ thông tin cá nhân, để rồi hàng ngày nghe những cuộc điện thoại quấy rối mà người gọi rành cuộc sống của mình còn hơn cha mẹ mình, chẳng biết nó rò rỉ từ đâu. Thậm chí, sáng ra ngân hàng rút một khoản tiền lớn thì kiểu gì chiều cũng có mấy em nheo nhéo chào mời mua chung cư hoặc đất nền".
Cùng cảnh ngộ, bạn đọc Nguyen Thang: "Đồng ý nên chỉ cho phép cơ quan thẩm quyền hoặc bên thứ ba được cấp phép cung cấp dữ liệu thôi chứ tôi sau khi mua nhà chung cư của một Công ty bất động sản rất nổi tiếng, thì ngày nhận chục cuộc hỏi có bán cho thuê căn xyz cụ thể luôn, không lọt từ công ty bất động sản này thì từ đâu; mua vé máy bay đi Nha Trang của hãng hàng không lớn hiện nay thì chục tin nhắn xe đón rước từ sân bay về thành phố, đề nghị thông qua sớm để xử phạt".
Bộ Công an đề xuất xử phạt từ 50 đến 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm danh dự của người bị tiết lộ. |
"Tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách này. Ngày nào tôi cũng nhận được các cuộc gọi từ bên bất động sản, du lịch, đầu tư chứng khoán gọi chào mời tham gia, tôi cũng không biết tại sao họ lại có SĐT của tôi, gặng hỏi mãi mới biết được họ mua lại từ bên nắm giữ thông tin tài khoản của mình. Ôi đến ngán ngẩm", bạn đọc Duy Hiệp
"Sợ nhất là mấy bà bảo hiểm với bất động sản. Suốt ngày nheo nhéo mời đến dự hội thảo với tặng quà là 1 chuyến du lịch nọ kia, một kiểu mời mọc trá hình, tôi cứ chặn số này thì y như rằng mai số khác gọi. Rồi thi thoảng lại một đống tin nhắn mời mua số đẹp, hãi nhất là đang giờ làm việc mà có người hỏi "chị có phải phụ huynh của cháu ABC không", chỉ lo con mình ở trường bị làm sao, thì hóa ra là mấy mợ ý mời học ở trung tâm tiếng anh nọ với tin học kia.
Ám ảnh với những thể loại mời mọc ấy nên nhiều khi số máy lạ không dám nghe- thì lại là những cuộc gọi quan trọng khác. Rất mong Bộ Công an sớm đưa dự thảo này vào thực hiện nghiêm để chấm dứt tình trạng tin nhắn/cuộc gọi rác" - bạn đọc Thúy Anh.
Đề xuất tăng mức phạt cao hơn, cần thiết khởi tố!
Nhiều bạn đọc cho rằng mức xử phạt như dự thảo là quá nhẹ, chỉ đủ mức răn đe với cá nhân vi phạm chứ với một tổ chức, công ty thì "chưa thấm vào đâu".
Bạn đọc Trần Quốc Thắng: "Tôi nghĩ 80 triệu đồng vẫn còn quá nhẹ. Phải nặng hơn nữa, ngoài phạt hành chính còn phải truy cứu thêm trách nhiệm hình sự. Nếu là cá nhân thì truy cứu cá nhân. Nếu là cá nhân trong một tổ chức mà không xác định được cá nhân thì tổ chức đó phải chịu trách nhiệm. Tránh trường hợp đỗ lỗi do nhân viên mới và và đã nghỉ việc. Như vậy mới đủ tính răn đe".
Bạn đọc Minh Tuấn: "Mức phạt này quá thấp ạ, cần tăng lên và có quy định hướng dẫn cụ thể số lần, số người trong một lần, tái phạm..."
Cho rằng dự thảo còn có điều chưa được rõ ràng, bạn đọc Thanh Duyên: "Tôi thấy quy định này là điều mà người dân rất mong mỏi, rất tốt, nhưng vẫn chưa hiểu ở chỗ nó ràng buộc thêm điều kiện là gây tổn hại đến nhân phẩm danh dự của người bị tiết lộ. Vậy chẳng lẽ mình bị lộ thông tin, mình phải đi chứng minh nó làm hại đến nhân phẩm, danh dự mình thế nào, thì đối tượng kia mới bị phạt ư? Những trường hợp như bảo hiểm, bán nhà đất, cho vay,.. nhan nhản làm phiền, quấy rối khách hàng, nhưng vẫn chưa đủ mức gây tổn hại danh dự và nhân phẩm thì vẫn nhởn nhơ mua bán thông tin người khác?"
Kiến nghị việc cần xử phạt cả bên mua/sử dụng thông tin, bạn đọc Thanh Hà: "Cá nhân và tổ chức sử dụng thông tin đó cũng phải chịu các mức phạt khác nhau mới răn đe được. Tổ chức, doanh nghiệp khai thác sử dụng thông tin đó phải phạt thật nặng mới dẹp được loạn khai thác thông tin cá nhân tràn lan";
Đồng quan điểm trên, bạn đọc Ngọc Hương: "Tôi nghĩ cần phạt cả người mua thông tin, vì họ là người chìa mặt ra chào mời khách hàng, và có rất nhiều người như vậy. Còn người bán họ đứng trong bóng tối nên khó phát hiện. Giờ bắt được ai mua mà người đấy báo bên em vô tình có được danh sách thì tìm sao ra bên bán?".
Theo dự thảo nghị định, dữ liệu cá nhân được chia làm hai loại. Trong đó, loại dữ liệu cơ bản gồm họ và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; nhóm máu; giới tính; số điện thoại; nơi sinh; nơi thường trú; số chứng minh nhân dân, căn cước; tình trạng hôn nhân; số giấy phép lái xe; mã số thuế cá nhân, tình trạng hôn nhân... Loại dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, dữ liệu về di truyền, tình trạng giới tính, xu hướng tình dục... Bộ Công an đề xuất xử phạt từ 50 đến 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm danh dự của người bị tiết lộ. Mức phạt trên cũng được Bộ Công an đề xuất với các vi phạm về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em hay hủy, xóa dữ liệu cá nhân trái phép... Mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng được đề xuất áp dụng với các hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới, vi phạm đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Theo dự thảo nghị định, thẩm quyền xử phạt hành chính với các hành vi trên là cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Dự thảo nghị định cho phép bên thứ ba (tổ chức doanh nghiệp, bên xử lý dữ liệu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền) có thể tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong các trường hợp vì lợi ích, an ninh quốc gia; công bố trên phương tiện truyền thông vì mục đích quốc phòng, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng... |
(Theo Dân Trí)