V ăn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ: “Trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này". Cùng đó, yêu cầu cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Đáng chú ý, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Trước đó, ngày 20/2, Bộ Tài chính đã chỉ đạo lập đường dây nóng, thanh tra hãng bảo hiểm để không tiếp tục xảy ra tình trạng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu tiếp tục “thanh tra các hãng bảo hiểm, gồm cả đại lý và môi giới, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới được vay vốn hoặc giới thiệu người gửi tiền đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái quy định".
Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh việc vay ngân hàng bắt buộc phải mua kèm bảo hiểm. Đặc biệt giai đoạn gần cuối năm 2022, với lý do ngân hàng "cạn room tín dụng", nhiều khách vay cho biết bị ngân hàng ép vào đường cùng khi điều kiện cần để giải ngân là mua gói bảo hiểm tương đương 3-4% giá trị khoản vay. Thậm chí, một số khách hàng đáo hạn khoản vay cũng bị yêu cầu mua kèm bảo hiểm mới được giải ngân.
Đó là những việc làm trái quy định. Khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010) đã quy định nghiêm cấm ngân hàng bán bảo hiểm. Cụ thể, nghiêm cấm hành vi cấu kết giữa các doanh nghiệp bảo hiểm hoặc giữa doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm nhằm phân chia thị trường bảo hiểm, khép kín dịch vụ bảo hiểm; Can thiệp trái pháp luật vào việc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm...
Còn tại khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP (bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng khi ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính; Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm đình chỉ hoạt động từ 2 tháng đến 3 tháng.
Nói tóm lại, các ngân hàng khi thực hiện hoạt động liên quan đến bảo hiểm thì chỉ được khuyến khích khách hàng tham gia bảo hiểm trên tinh thần tự nguyện mà không được bắt buộc hay lấy đây làm điều kiện bắt buộc khách hàng thực hiện mới được giải ngân vay vốn. Vấn đề ở chỗ ngay từ khi tư vấn cho khách hàng, nhân viên ngân hàng đã không nói rõ ràng là có bán bảo hiểm lồng ghép vào gói vay tín dụng để khách hàng tự quyết định mua hay không mua. Khi giải ngân, nhân viên lại "mời chào" khách vay phải mua gói bảo hiểm. Từ đó, khách hàng thấy mình như bị lừa dối.
Với sự vào cuộc quyết liệt và có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, hi vọng việc ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ chấm dứt. Tuy nhiên đây là vấn đề khó khăn khi mà phía từng ngân hàng cụ thể đều muốn có lãi nhiều hơn, các “nhân viên tư vấn” cũng có thu nhập đáng kể khi “mời” được khách mua bảo hiểm. Và, tuy việc ép khách mua bảo hiểm diễn ra đã lâu, văn bản chỉ đạo của cơ quan hữu quan cũng đã nhiều nhưng cũng chưa thấy xử lý một ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng như một nhân viên sai phạm nào cả.
Vậy, lần này, với nhiều quyết tâm, sự việc có khác?