Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã CK: ASM) đã công bố BCTC quý 4/2018 và lũy kế cả năm 2018.
Trước đó trong quý I, ASM đã tiến hành tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty liên kết là IDI lên 51,14%, biến IDI trở thành công ty con của ASM. Việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào IDI đã mang lại lợi nhuận tài chính hơn 429 tỷ đồng cho ASM. Và kể từ quý 2/2018, nhờ hợp nhất doanh thu từ IDI, doanh thu thuần của ASM tăng trưởng chóng mặt.
Theo đó, doanh thu thuần đạt 3.757,3 tỷ đồng cao gấp gần 4 lần cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn lãi gộp đạt hơn 320 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 127 tỷ đồng của quý 4/2017.
Trong kỳ hoạt động tài chính có nhiều biến động khi những quý trước đó ASM có nguồn thu tài chính lớn thì đến quý này doanh thu tài chính ghi âm 33,3 tỷ đồng trong khi chi phí của hoạt động này đội lên tới 107 tỷ đồng cao gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Hoạt động liên doanh liên kết không có đồng lãi nào trong khi cùng kỳ lãi tới hơn 34 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng tăng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ nên kết quả ASM lãi ròng hơn 45 tỷ đồng giảm 10% so với cùng kỳ trong đó LNST thuộc về công ty mẹ đạt 40 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2018, ASM đạt 8.906 tỷ đồng doanh thu thuần cao gấp hơn 4 lần cùng kỳ, lãi gộp đạt 1.087,5 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 250 tỷ đồng của năm 2017, sau khi trừ các khoản chi phí LNST đạt 1.156 tỷ đồng cao gấp gần 7 lần cùng kỳ trong đó lãi ròng thuộc về công ty mẹ đạt 997 tỷ đồng tương đương EPS đạt 4.122 đồng – Đây là con số lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Trong cơ cấu doanh thu năm 2018 của ASM có thể thấy sự tăng trưởng vượt trội của doanh thu cá xuất khẩu, doanh thu thương mại và doanh thu thức ăn cá.
Năm 2018, Sao Mai Group đặt mục tiêu doanh thu ước đạt 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 890 tỷ đồng. Như vậy kết thúc năm 2018 ASM mặc dù chỉ hoàn thành được 91% mục tiêu về doanh thu nhưng đã vượt 30% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến 31/12/2018, ASM có tổng tài sản đạt 11.998 tỷ đồng cao gấp 2 lần số dư đầu kỳ trong hàng tồn kho lên tới 2.330,5 tỷ đồng, tăng 76% so với đầu kỳ, trong đó dự phòng giảm giá gần 19 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng hơn 66% lên 3.103,4 tỷ đồng; trong đó, hơn 1.222,6 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn khách hàng. ASM cũng phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi số tiền 57,4 tỷ đồng, trong khi đầu năm không có. Việc doanh thu tăng, song các khoản phải thu tăng theo là một trong những yếu tố bất thường tại một số doanh nghiệp, tạo nên rủi ro với nợ khó đòi trong dài hạn.
Nợ phải trả của ASM tính đến cuối quý 4 là trên 6.210 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với hồi đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 3.360,5 tỷ đồng, nợ tài chính dài hạn gần 1.120 tỷ đồng, tổng nợ tài chính gấp hơn 3 lần hồi đầu năm.