Giới thiệu lãi suất lên tới hơn 100%/năm, cam kết trả lại gốc…, sau khi huy động vốn hàng chục tỷ đồng từ các nhà đầu tư, sàn FVP Trade tạm dừng giao dịch và đóng băng tài khoản, xóa bỏ dữ liệu nhằm chiếm đoạt tiền.
Những câu chuyện sập bẫy sàn tiền ảo không phải là mới, nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân mới.
Đóng băng để… “kiểm toán quốc tế”
Do quen biết, cùng với những lời mời chào đầy “ngọt ngào”, nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào các sàn “tiền ảo rác”, để sau một khoảng thời gian sàn biến mất thì mới biết bị lừa.
Vào cuối tháng 6/2022, chị H. sống tại Hà Nội có nhận được lời mời tham gia đầu tư trên sàn FVP Trade từ người hàng xóm thân thiết. Theo quảng cáo, đây là sàn giao dịch quốc tế, mọi người có thể giao dịch Forex, chứng khoán, hàng hoá, chỉ số và tiền điện tử một cách nhanh chóng, an toàn, đảm bảo giá cả công bằng, minh bạch. Đặc biệt, người hàng xóm này còn cam kết sẽ hoàn trả gốc cho chị H.
“Tôi là người làm công ăn lương, không có thời gian tìm hiểu mấy sàn này nên đã từ chối. Nhưng, người hàng xóm này đã rất nhiều lần cam kết bảo lãnh gốc và lãi suất 9%/tháng, thậm chí còn cung cấp giấy phép kinh doanh, hồ sơ ban lãnh đạo và đưa tôi đi thăm nhiều cơ sở văn phòng của sàn. Vì vậy, tôi đã tin tưởng và chuyển 430 triệu VND để đầu tư vào sàn FVP Trade”, chị H. cho hay.
Tuy vậy, theo chị H, sau 3 tuần nộp tiền, tài khoản bị đóng băng. Khi hỏi nguyên nhân, người hàng xóm cho biết, do các tổ chức kiểm toán của quốc tế đang làm việc với công ty nên tạm dừng 1 thời gian (khoảng 2 tuần), thậm chí còn gửi 1 đường link khác để chị H. đăng nhập vào để vẫn nhìn thấy tiền gốc và lãi, nhưng lại không rút được.
“Sau 2 tuần, tài khoản vẫn bị đóng băng, tôi có đòi lại tiền gốc như lời cam kết ban đầu, nhưng người hàng xóm này trả lời rằng: “Đầu tư phải chịu rủi ro - Có phải trẻ lên 3 đâu”. Từ lúc này, tôi đã biết mình bị lừa. Tôi có tìm hiểu và biết rằng, ngôi nhà hàng xóm đang ở chỉ là nhà thuê, và giấy phép kinh doanh của sàn này là hoàn toàn giả mạo”, chị H. chia sẻ.
Trước đó, vào tháng 4/2022, anh V. - một nhà đầu tư khác cũng dính chiêu lừa tương tự. Theo đó, đồng nghiệp cũ giới thiệu khi nộp tiền vào sàn FVP Trade và có tài khoản thì thu nhập có thể lên tới 200-300 USD/ngày. Sau khi được tư vấn, anh V. có nạp thử số tiền tương ứng là 500 USD và khi lãi được 50 USD thì vẫn rút cả gốc và lãi ra được.
“Vào cuối tháng 6/2022, sau lần có lãi và rút được, tôi tiếp tục nạp hơn 60 triệu VNĐ. Nhưng đến giữa tháng 7/2022, tài khoản của tôi bị đóng băng không thể rút được tiền ra. Lúc này, tôi mới nghi ngờ mình bị lừa và đến Công an phường trình báo”, anh V. cho biết.
Theo quảng cáo, với mức lợi nhuận từ 6 - 10%/tháng, tương đương 72 - 120%/năm, thậm chí, sàn FVP Trade còn chi trả thêm 6 nguồn thu nhập khác thụ động lâu dài nếu như nhà đầu tư phát triển được hệ thống mô hình nhiều tầng giống như kim tự tháp. Có thể thấy đây là mức siêu lợi nhuận, chưa nói đến là mức lợi nhuận “trên trời”.
Tuy vậy, ngày 18/7/2022, đại diện ban quản lý của sàn forex này đã có thông báo gửi nhà đầu tư. Theo đó, công ty này đã quyết định tạm thời xóa tất cả dữ liệu hệ thống, quyền truy cập và thông tin, đồng thời, phong tỏa tài khoản của khách hàng. Điều này đồng nghĩa nguồn tiền lớn của nhà đầu tư Việt Nam trên sàn forex này bị đóng băng, thậm chí có thể mất trắng. Hiện nhiều nhà đầu tư đến công an trình báo…
Tin nhắn trao đổi giữa nhà đầu tư với môi giới FVP Trade
“Chặt đầu này, mọc đầu khác”?
Đầu tháng 8/2022, Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ các đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, lập sàn giao dịch tiền ảo, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 225 người với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng.
Theo lời khai của các đối tượng, khi thu được nhiều tiền của các nhà đầu tư, sàn FVP Trade tạm dừng giao dịch, việc nạp, rút tiền đều không thực hiện được và đóng băng toàn bộ tài khoản, xóa bỏ dữ liệu nhằm chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư.
Trong khi chờ đợi cơ quan điều tra làm rõ, nhiều nhà đầu tư lại tiếp tục nhận được lời mời tham vào một nhóm zalo với những nội dung là đầu tư vào sàn điện giao dịch tiền ảo khác với mức lãi suất lên tới 20%/tháng.
“Người trưởng nhóm zalo - cũng chính là người đồng nghiệp cũ đã mời tôi vào sàn FVP, khiến tôi mất trắng 60 triệu VND. Tuy vậy, tôi cũng bị trưởng nhóm kích ra ngay sau đó”, anh V. cho biết về hiện tượng “chặt đầu này, mọc đầu khác” trong loại hình lừa đảo này.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, hiện nay xuất hiện nhiều sàn giao dịch tiền ảo, thu hút nhiều người tham gia đầu tư. Các sàn được giới thiệu là dự án với lãi suất cao, cam kết trả lợi nhuận với người chơi, chia hoa hồng cao khi lôi kéo được nhà đầu tư mới. Đây thực chất là mô hình đa cấp, dùng tiền của người sau, trả cho người trước. Thời gian đầu, các sàn này sẽ để người đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền.
“Để lấy lòng tin của các nhà đầu tư, họ phải bỏ ra rất nhiều tiền để trả lãi, trả gốc cho nhà đầu tư và đưa ra các chiêu khuyến mại. Sau đó, chúng sẽ tư vấn để các nhà đầu tư nạp tiền nhiều hơn rồi không cho rút tiền để chiếm đoạt”, ông Đức nhận diện cách thức của mô hình này.
Thời gian tới, ông Đức cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải hoàn thiện cơ sở pháp luật để vừa quản lý vừa có chế tài xử phạt nặng hơn đối với hành vi lừa đảo. Ngoài ra, cần phải tuyên truyền, cảnh báo cho người dân và đặc biệt cần phải có công cụ để phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời nghiêm minh để hạn chế các trang web lừa đảo gây mất lòng tin lòng tin cho xã hội.
Về phía nhà đầu tư, trước khi tham gia bất kỳ loại hình đầu tư nào, người dân nên tìm hiểu kỹ về loại hình đầu tư đó có được Nhà nước cấp phép hay không, có được pháp luật bảo hộ hay không và yếu tố thanh khoản của loại hình đầu tư đó như thế nào để tránh bị lừa mất tiền và vô tình vi phạm pháp luật.
“Khi những hoạt động ngoại hối, tiền ảo có tính chất đa cấp như vậy thì luật pháp của Việt Nam không cho phép; còn những hoạt động ở nước ngoài thì khó có thể kiểm soát, khó có thể nắm bắt tình hình là một rủi ro rất lớn. Nếu chấp nhận tham gia vào rủi ro, không có cơ sở pháp lý thì nguy cơ cao là có thể mất trắng”, ông Đức khuyến cáo.