Thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 ngày 26/7 với chủ đề "Phát triển cổng dịch vụ công quốc gia và giải pháp tích hợp hệ thống một cửa điện tử, góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh chính phủ điện tử, tiến tới nền kinh tế số là xu hướng tất yếu của quốc gia trên thế giới mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Sự chuyển đổi này sẽ tạo ra sự minh bạch, giám sát, và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, đặc biệt là không ai bị bỏ lại phía sau.
Tinh thần của chính phủ điện tử là phục vụ người dân, doanh nghiệp – ông Dũng nhấn mạnh. Theo đó, người dân là trung tâm phục vụ, "sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chính là sự hài lòng của Chính phủ", ông nói.
Nhắc lại quá trình phát triển của Chính phủ điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là các công việc được triển khai trong thời gian gần đây, ông Dũng cho biết với cách làm mới thông qua sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, sự tham gia của 2 cơ quan hạt nhân là Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, một số công việc đã được hoàn thành.
Báo cáo mới nhất của Văn phòng Chính phủ cho thấy việc xây dựng hạ tầng chính phủ điện tử trong năm 2019 đã có nhiều bước tiến lớn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng được phiên bản 2.0 của dự thảo Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam cũng như đưa ra dự thảo Quyết định ban hành mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức, tạo sự thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu…
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đã được triển khai tích cực, tiêu biểu như cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Bảo hiểm xã hội, Tài chính, Tài nguyên môi trường… tạo nền tảng dữ liệu đồng nhất cho hệ thống Chính phủ điện tử vận hành.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Dũng cho biết phía Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm công bố Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản mới. Các nội dung trong Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử của bộ, ngành, địa phương sẽ phải được thiết kế dựa trên chuẩn hóa của Kiến trúc sắp được công bố để tiến tới một nền tảng tích hợp, có hạ tầng và dữ liệu.
"Đây là những vấn đề rất khó nhưng chúng ta không chờ để cầu toàn, tinh thần là làm đâu chắc đó, làm đâu được đó và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn dữ liệu", ông Mai Tiến Dũng lưu ý.
Đề cập đến hình thức đầu tư, người đứng đầu VPCP mong rằng trên cơ sở Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, trong tương lai, các doanh nghiệp, tập đoàn sẽ tham gia trực tiếp cùng địa phương trong các vấn đề như xây dựng đô thị thông minh, trung tâm giám sát, hay Cổng dịch vụ công…, hỗ trợ các địa phương với phương châm "Doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước thuê lại" để phát huy tối đa nguồn lực thu hút từ các doanh nghiệp, từ khối tư nhân.