Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế sâu sắc, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng tăng, các nước có nền tảng kinh tế vững mạnh đang không ngừng xúc tiến tăng trưởng đột phá thông qua việc xây dựng, kết nối mạng lưới nhân tài trên toàn cầu.
Trung Quốc là ví dụ tiêu biểu trong việc sử dụng lòng yêu nước và công nhận nhân tài để tạo ra mối liên kết mạnh mẽ giữa các cộng đồng hải ngoại.
Cộng đồng Hoa kiểu mang tầm quốc gia dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã giúp Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ, trong danh sách các nước nhận kiều hối năm 2010 với hơn 50 tỷ USD được gửi và nhận. Từ đó giúp Trung Quốc không chỉ tập trung vào khai thác và điều hướng nguồn tài chính về đại lục mà còn nhằm giải quyết hiện tượng "chảy máu chất xám" đã diễn ra trong hàng thập kỷ.
Philippines cũng nhận thức sớm về tầm quan trọng của việc kết nối mạng lưới. Từ những năm 1980, chính phủ Philippines đã thiết lập ủy ban người Philippines ở nước ngoài (Commission on Filipinos Overseas - OFC) đưa đất nước trở thành nước nhận kiều hối lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Hay tổ chức GlobalScot được tài trợ và quản lý bởi Scottish Enterprise (SE), cơ quan phát triển kinh tế Scotland và là đơn vị trực thuộc Scottish Executive cũng là một ví dụ cần được lưu tâm.
Tổ chức này đã kết nối và hỗ trợ cộng đồng doanh nhân người Scotland hải ngoại đưa nguồn lực kinh tế về Scotland bằng cách đóng góp công sức, thời gian, kinh nghiệm, các mối quan hệ, kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp và tổ chức trong nước.
Việt Nam vì vậy cũng không thể đứng ngoài xu hướng thiết lập "Mạng lưới nhân tài toàn cầu" trên khắp thế giới. Việt Nam đang có khoảng hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài, trong đó nhiều người có trình độ học vấn cao và thành công trong nhiều lĩnh vực, hoàn toàn có thể tạo ra những bước tiến nhảy vọt nếu tận dụng được tiềm năng to lớn từ mạng lưới nhân tài toàn cầu.
Dự án Diễn đàn người Việt ảnh hưởng toàn cầu (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF) được hình thành với hi vọng có thể chung tay giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đó. Diễn đàn này sẽ được tổ chức lần đầu tiên trong 2 ngày 30 – 31 tháng 3 tại Paris, Pháp.
VGLF 2019 sẽ tập trung vào chủ đề "Nâng tầm thương hiệu Việt Nam" nhằm mục đích đánh thức tiềm lực quốc gia, đưa thương hiệu và giá trị Việt cạnh tranh trên trường quốc tế, đồng thời đặt nền móng đầu tiên cho mạng lưới Người Việt thành đạt toàn cầu (Vietnam Global Leaders Network).
Diễn đàn dự kiến có sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín như Aikins Kingsley - Sáng lập viên và CEO của mạng lưới Diaspora Matters, Nguyễn Thiệp - Đại sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Vũ Duy Thức - Đồng Sáng lập viên và CEO Kambria, Sandy Đặng - Nguyên Chủ tịch tổ chức giáo dục quốc tế.
Diễn đàn cũng quy tụ 200 khách mời danh dự là người Việt có tầm vóc và ảnh hưởng trên toàn thế giới trong các lĩnh vực khác nhau, từ nhà khoa học, doanh nhân, đến bác sỹ, luật sư, nghệ sỹ. Diễn đàn dự kiến có các trao đổi, gặp gỡ với các tập đoàn hàng đầu của Pháp trước và sau hai ngày sự kiện chính.