Bộ GTVT và các bộ, ngành đang cùng tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng , đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận .
Ba năm ì ạch chờ vốn
Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dài 51,1 km nằm trọn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (đi qua huyện Châu Thành, Tân Phước, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè). Quy mô dự án gồm bốn làn đường, điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP.HCM -Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao với QL30. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỉ đồng .
Dự án được khởi công từ năm 2009 nhưng đã bị đình trệ, đến năm 2012 thì dừng vì nhà đầu tư rút khỏi dự án. Đến năm 2015, dự án được tái khởi công 21 gói thầu với liên danh nhà đầu tư mới và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Thế nhưng đã ba năm kể từ khi tái khởi công, dự án thi công theo kiểu ì ạch.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi những ngày gần đây, tại gói thầu thi công ngang qua đường tỉnh 874 (xã Điềm Hy, huyện Châu Thành) có bốn phương tiện cơ giới được huy động đến công trường. Tuy nhiên, hai phương tiện nằm im lìm đã nhiều tháng nay không hoạt động, cỏ dại phủ đầy. Riêng hai phương tiện còn lại hoạt động theo kiểu cầm chừng. Một công nhân ở lán trại cạnh khu vực này cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, công trình khi thi công, khi thì dừng vì đang chờ vốn.
Một trong những gói thầu của dự án cao tốc đang thi công cầm chừng chờ vốn. Nhiều phương tiện cơ giới bị bỏ không lâu nay. Ảnh: Đ.HÀ
Tại đoạn cao tốc đi qua khu phố 2 (phường 3, thị xã Cai Lậy) hầu như mặt bằng vẫn như hiện trạng ban đầu. Hai bên bờ sông Ba Rài (đoạn qua phường 3, thị xã Cai Lậy) thuộc gói thầu XL-05 xây dựng cầu Cai Lậy cũng trong tình trạng máy móc, thiết bị nằm phơi nắng im lìm.
Được biết dù phía nhà đầu tư đã huy động nhân lực, vật lực để tổ chức thi công ưu tiên 11/21 gói thầu nhưng tốc độ thi công cũng chỉ cầm chừng. Tại gói thầu ngay điểm đầu của dự án tiếp giáp với cao tốc TP.HCM-Trung Lương (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) những ngày gần đây có hơn 15 công nhân, kỹ sư làm việc đổ bê tông làm đường dẫn nối vào cao tốc TP.HCM-Trung Lương hiện hữu. Trên tuyến này càng đi dọc về hướng cầu Mỹ Thuận thì các công trường càng vắng bóng công nhân. Một số gói thầu tại công trình đang thi công dang dở, máy móc, thiết bị nằm phơi nắng, phơi sương…
Đang tháo gỡ vốn tín dụng
Theo hợp đồng đã ký với Bộ GTVT, nhà đầu tư phải tự huy động vốn chủ sở hữu (1.542 tỉ đồng) và vốn vay từ các ngân hàng thương mại (8.126 tỉ đồng) để thực hiện đầu tư thực hiện dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư chỉ mới huy động được vốn sở hữu, chưa ký được hợp đồng vay tín dụng. Do chưa thu xếp được vốn khiến công trình dù khởi động đã lâu nhưng đến nay vẫn bị đình trệ.
Bộ GTVT cho hay vướng mắc chủ yếu của dự án là do Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính quy định lãi suất vay trong hợp đồng BOT không vượt quá 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ khiến chênh lệch 2,2%-2,5% so với lãi suất các nhà đầu tư phải trả cho các ngân hàng thương mại. Đến tháng 7-2017, Bộ Tài chính đã có Thông tư 75/2017 sửa đổi Thông tư 55, nâng trần lãi suất cho vay lên 1,5 lần lãi suất trái phiếu chính phủ có kỳ hạn tương tự.
Bộ Tài chính cho hay Thông tư 75 chỉ áp dụng cho những dự án chưa ký hợp đồng, những dự án BOT đã ký hợp đồng như cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vẫn áp dụng mức trần lãi suất không vượt quá 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ. Tuy nhiên, các ngân hàng ra điều kiện chỉ cho dự án vay vốn nếu dự án được áp dụng Thông tư 75/2017.
Bộ GTVT cho hay đang phối hợp với Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo, đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ vướng mắc. Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và Chính phủ, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo nhà đầu tư đẩy nhanh việc triển khai dự án, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết trong buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các phần còn lại. Mục tiêu chung là đến năm 2020 phải thông xe toàn tuyến phục vụ người dân. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thông tin dự kiến đến cuối tháng 5-2018, nhà đầu tư sẽ ký kết với các ngân hàng về vốn tín dụng để thực hiện công trình.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị trong thời gian chờ nhà đầu tư thu xếp nguồn vốn, tỉnh Tiền Giang sẽ cùng với Bộ GTVT rà soát lại dự án này. Nếu có vướng mắc thì kiến nghị ngay để Bộ và nhà đầu tư sẽ xem xét giải quyết một lần dứt điểm. “Sắp tới tỉnh sẽ họp với UBND các huyện, thị nơi có công trình cao tốc đi qua để lấy ý kiến và nắm tình hình. Nếu có vướng mắc sẽ gấp rút báo về Bộ giải quyết, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ công trình này trong thời gian tới” - vị lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho hay.
Dự án do Công ty Cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) và liên danh nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng BMT - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi - Công ty Cổ phần Hoàng An - Công ty Cổ phần Đầu tư cầu đường CII.
Đến nay tỉnh Tiền Giang đã thực hiện giải phóng mặt bằng 49 km/51,1 km (đạt khoảng 96%). Các chủ đầu tư dự án cũng đã chuyển cho địa phương 1.264 tỉ đồng để triển khai giải phóng mặt bằng trên tuyến. 4% chưa giải phóng được là do còn một số vướng mắc về mức bồi thường, tranh chấp đất giữa dân với dân, một số đoạn do chưa thể di dời đường dây điện trung thế.