Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu nhiên liệu tinh chế của Nga vào ngày 5/2, kết hợp với lệnh cấm vận đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga bắt đầu vào tháng 12/2022.
Tuy nhiên, khác với lần cấm vận dầu thô trước đó khi Trung Quốc và Ấn Độ háo hức giành lấy nguồn cung cấp dầu thô được chiết khấu của Nga, lần này, Nga khó có thể chờ đợi ở các khách hàng này.
Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler cho biết: "Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là nhà xuất khẩu ròng các sản phẩm, vì vậy họ không cần phải nhập khẩu thêm".
Thay vào đó, nhiên liệu tinh chế của Nga có thể tìm người mua ở Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), sau đó hướng đến các thị trường châu Á khác, nhưng không phải là những thị trường lớn.
Nhà phân tích Katona cho biết, các sản phẩm của Nga cũng có thể chuyển sang Tây Phi và Mỹ Latinh, trong khi châu Âu có thể sẽ bắt đầu tìm nguồn cung ứng dầu diesel nhiều hơn từ Mỹ và châu Á.
Trung Quốc và Ấn Độ luôn được hưởng mức chiết khấu ưu đãi khi mua dầu Nga.
Trung Quốc và Ấn Độ sản xuất nhiên liệu tại các nhà máy lọc dầu của riêng họ cũng có thể cung cấp cho châu Âu. Trên thực tế, theo Financial Times, nhiên liệu tinh chế của Trung Quốc đã được chuyển đến Latvia, mặc dù mất thêm thời gian và chi phí vận chuyển qua những khoảng cách như vậy.
Ngoài ra, theo Stephen Ellis, chiến lược gia năng lượng của Morningstar, lệnh cấm nhiên liệu của Nga có thể giúp cả Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều cơ hội hơn để mặc cả đối với bất kỳ khách hàng nào muốn mua sản phẩm của họ.
Mặt khác, tương tự như giới hạn giá dầu, EU và G7 đang có kế hoạch cấm các quốc gia khác tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển trừ khi họ tuân thủ giới hạn đối với các sản phẩm nhiên liệu tinh chế từ Nga.
Theo các nguồn tin của Bloomberg, các quan chức EU đang xem xét mức trần 100 USD/thùng đối với dầu diesel của Nga và mức trần 45 USD/thùng đối với dầu mazut của Nga.
Tuy nhiên, nhà phân tích Katona cho biết, Nga có thể tinh chế ít nhiên liệu hơn nhưng vẫn giữ sản lượng dầu ổn định, dẫn đến xuất khẩu dầu thô thậm chí nhiều hơn sang Ấn Độ và Trung Quốc.
Chiến lược gia Ellis cho biết, Nga cũng có thể "vũ khí hóa các sản phẩm tinh chế bằng cách cắt giảm xuất khẩu". Điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến nguồn cung thấp hơn cho châu Âu.
"Trung Quốc có thể sẽ phải sử dụng các sản phẩm do mình sản xuất cho nhu cầu nội địa, khiến nguồn cung xuất khẩu cho EU ít đi", ông cho biết.
Tham khảo: BI