Sáng nay, 6/7, dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 với 35 điểm cầu tại cục hải quan các địa phương.
Đáng chú ý, vấn đề quản lý phế liệu nhập khẩu đã hâm nóng hội nghị. Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng, đến nay tại các cảng trên địa bàn TP.HCM đang tồn 3.231 container phế liệu nhựa và giấy, tập trung nhiều nhất ở cảng Cát Lái. Trong đó có 2.183 container tồn quá 90 ngày.
Nguyên nhân khiến lượng phế liệu tồn đọng lớn tại khu vực TP.HCM do từ ngày 1/1/2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu (NK) nhiều loại phế liệu, trong đó có phế liệu nhựa và giấy. Do vậy, lượng phế liệu này đi về một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, việc cấp phép đối với nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp. Nhưng cá biệt có trường hợp Sở ủy quyền cho cấp Phòng cấp và trong giấy phép lại có nhiều loại hàng hóa nên quá trình làm thủ tục, theo dõi giấy phép lực lượng Hải quan gặp nhiều khó khăn.
“Ngoài ra có tình trang doanh nghiệp nhập khẩu nhưng không có giấy phép; hoặc trường hợp có giấy phép nhưng quá hạn, tuy nhiên bằng cách nào đó DN vẫn liên hệ với hãng tàu để đưa hàng về. Đặc biệt, một số DN không có giấy phép nhưng khi hàng vào Việt Nam lại điều chỉnh lô hàng sang cho DN khác có giấy phép nhập khẩu”- ông Đinh Ngọc Thắng nhấn mạnh thêm.
Ngoài ra, để xử lý hiệu quả, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng kiến nghị: Thứ nhất, các bộ, ngành sửa đổi quy định liên quan đến xử lý vi phạm đối với việc vận chuyển hàng cấm hoặc hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) có điều kiện.
Thứ hai, quy định các hãng tàu vận chuyển phế liệu, phế phẩm… phải yêu cầu DN XNK xuất trình giấy phép hoặc cam kết có giấy phép trước khi hàng hóa cập cảng và cơ quan Hải quan làm thủ tục.
Thứ ba, DN kinh doanh cảng có quyền từ chối hoặc cơ quan Hải quan có quyền từ chối làm thủ thủ tục nhập cảnh và xử lý vi phạm ngay khi hàng hóa là phế liệu vào cảng nhưng DN không xuất trình được giấy phép…
Thứ tư, đề nghị các bộ, ngành liên thay đổi phương thức và minh bạch hóa quá trình cấp phép nhập khẩu phế liệu…
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, vấn đề này đang được Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo quyết liệt.
Để xử lý, Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị cần xác định, hàng hóa khi vào địa bàn hoạt động hải quan đã thuộc đối tượng quản lý của cơ quan Hải quan.
“Nếu là hàng cấm, danh mục hàng cấm, chưa cần DN khai báo cơ quan Hải quan đã đủ thẩm quyền xử lý, kể cả với trường hợp hàng hóa quá cảnh. Vụ Pháp chế, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) hướng dẫn cụ thể Cục Hải quan TP.HCM và các cục hải quan địa phương xử lý vấn đề này”- Tổng cục trưởng yêu cầu.
Đặc biệt, với trường hợp phế liệu, khi DN đến làm thủ tục phải thực hiện kiểm định tại Cục Kiểm định hải quan (Tổng cục Hải quan) theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp không đủ điều kiện sẽ xem xét, xử lý, nhất là điều tra, xác minh làm rõ về hồ sơ chứng từ…
Đáng chú ý, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng Kiểm soát Hải quan sắp khởi tố (dự kiến sang tuần sau) một số DN nhập khẩu phế liệu có hành vi vi phạm, nhập khẩu trái phép hàng hóa có đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu.