Khi các đội cứu hộ kết thúc ngày thứ 3, hàng trăm người theo dõi nhất cử nhất động của họ ngạc nhiên, mừng rỡ khi thấy những người bị mắc kẹt được kéo ra khỏi đống đổ nát còn sống sót.
Nhìn thấy ánh mặt trời đầu tiên sau 2 này, cậu thanh niên Kak Kea, 17 tuổi, liên tục cảm ơn những người cứu hộ dù sức khỏe vẫn chưa ổn định.
"Cháu còn sống vì ăn gạo trong cái túi mà cháu giữ lại để nấu ăn", Kea nói trong xúc động.
Đáng buồn thay, 2 nạn nhân được kéo ra cùng đợt với Kea đã thiệt mạng, nâng tổng số người chết trong vụ sập tòa nhà 7 tầng do nhà thầu Trung Quốc xây dựng ở Preah Sihanouk, Campuchia, lên con số 28.
Lực lượng cứu hộ lôi nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. (Ảnh: Khmer Times)
Tính tới thời điểm hiện tại, 30 công nhân đã được giải cứu còn sống sót sau thảm kịch xảy ra vào 4h sáng 22/6.
Các nạn nhân còn sống sót cho biết khoảng 60 công nhân có mặt trong tòa nhà vào thời điểm nó bị sập. Chap Pros, một công nhân tới từ tỉnh Kampot cho biết anh đang ngủ cùng 4 đồng nghiệp khác trên tầng 2 khi tòa nhà đổ sập.
"Tầm 4h sáng, tôi thức dậy vì nghe thấy tiếng tòa nhà sập. Tôi và các đồng nghiệp ngã xuống. Tôi vẫn có can đảm mở mắt ra xem nhưng không thể nhìn thấy gì vì trời quá tối và bụi mù. Chúng tôi chỉ biết hét lên kêu cứu và rất may lực lượng cứu hộ đã thấy chúng tôi", Pros kể lại.
Nhor Barket, 30 tuổi cũng đang say giấc khi tòa nhà đổ sụp. Barket, may mắn sống sót nhưng em trai 18 của anh đã bỏ mạng dưới đống đổ nát trong khi vợ anh bị thương nặng. Bản thân Barket cũng bị thương nghiêm trọng.
Yun Min, cựu tỉnh trưởng Preah Sihanouk cho biết tòa nhà bị sập là công trình xây dựng trái phép. Ông xin từ chức vì thấy xấu hổ bởi không quản lý được ngành xây dựng đang phát triển mạnh ở tỉnh này khi Trung Quốc đổ núi tiền vào đầu tư trong vài năm gần đây.
Thủ tướng Hun Sen hôm 24/6 đã tới hiện trường, chứng kiến cảnh 2 người sống sót được kéo ra khỏi đống đổ nát, sau đó trực tiếp đưa họ lên xe cứu thương.
"Bi kịch là một bài học cho chúng tôi. Chính phủ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các tòa nhà và xác định xem chúng có hợp pháp và đạt tiêu chuẩn hay không", ông Hun Sen cho hay.
Nhà lãnh đạo Campuchia cho biết, giới chức vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân và sẽ truy cứu tới cùng những người có liên đới.
Hôm 22/6, Campuchia bắt giữ 3 người Trung Quốc là Chen Kun - chủ sở hữu của tòa nhà, Deng Xing Gui - nhà thầu xây dựng, Gao Yu - người đứng đầu công ty xây dựng và Nhek Huy, chủ đất người Campuchia.
Tòa nhà bị sập không được cấp giấy phép xây dựng. (Ảnh: Reuters)
Lim Bun Heng, phát ngôn viên của tòa án tỉnh Preah Sihanouk cho biết 4 người này bị buộc tội có liên quan tới dự án xây dựng tòa nhà bị sập nhưng không tiết lộ cáo buộc.
"Công tố viên đã buộc tội họ nhưng tôi không nhớ các cáo buộc", ông Heng nói trước khi từ chối bình luận thêm.
Trong khi đó, theo AP, chủ công trình bị buộc tội vô ý làm chết người và 3 người Trung Quốc khác bị cáo buộc tội đồng lõa. Các tội danh này tương đương với án phạt lên tới 3 năm tù giam.
Cả 4 người kể trên hiện đang bị giam giữ trước phiên sơ thẩm.
Theo ông Yun Min, trên thực tế giới chức đã phát hiện sai phạm của tòa nhà và đã nhắc nhớ tới 2 lần nhưng các nhà thầu Trung Quốc bỏ ngoài tai tất cả.
Chính quyền tỉnh Preah Sihanouk cho biết 50% đống đổ nát đã được dọn sạch. Vụ sập nhà cũng làm hư hỏng một số công trình gần đó, bao gồm một nhà hàng Nhật Bản.
Sap Rithyvuth, chủ sở hữu nhà hàng này cho biết vào sáng 22/6, ông thức dậy và choáng váng khi thấy nhà hàng bị hư hại nghiêm trọng do các mảnh vỡ từ tòa nhà 7 tầng rơi xuống.
Rithyvuth nghi ngờ rằng tòa nhà "hàng xóm" bị sập vì không có nền móng vững chắc trong khi các nhà thầu ham xây quá nhiều tầng.
Đại sứ Trung Quốc tại Camouchia, Wang Wentien, trong một thông báo đưa ra hôm 24/6 cho biết ông đã kêu gọi tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc trong tỉnh cung cấp hỗ trợ cho công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả.
"Các nhà đầu tư Trung Quốc ở Campuchia được hoan nghênh, nhưng họ phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp. Tất cả các nhà đầu tư Trung Quốc phải chú ý hơn đến chất lượng đầu tư của họ để đảm bảo an toàn", ông này nhấn mạnh.
Trước đó, Phòng Thương mại Trung Quốc tại Campuchia tiết lộ họ đang huy động các doanh nghiệp mà Trung Quốc góp vốn trong khu vực quyên góp 100.000 USD cho gia đình các nạn nhân và những người bị thương.
(Nguồn: Khmer Times)