Theo ông Kiệt, thực chất làn sóng sáp nhập và mua bán BĐS đã diễn ra khá mạnh mẽ năm 2019, bước sang 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều CĐT khó khăn quyết định bán ra sản phẩm. Các NĐT có dòng tài chính mạnh thì đây chính là cơ hội để tìm quỹ đất cũng như dự án tiềm năng.
Nhất là thị trường khách sạn đang trong thế phòng thủ. Theo CBRE, làn sóng dịch bệnh lần thứ 2 đã "dập tan hy vọng" về sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch và khách sạn trong năm nay. Nhu cầu du lịch trong nước chắc chắn sẽ giảm mạnh và khách du lịch nội địa cũng dè dặt hơn do những lo ngại leo thang về nguy cơ bùng phát dịch bất cứ lúc nào. Sự phục hồi ở phân khúc khách quốc tế cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn do Việt Nam sẽ tiếp tục trì hoãn việc nối lại các chuyến bay quốc tế và tâm lý tránh du lịch nước ngoài khi dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới.
Đơn vị này dự đoán tình hình hoạt động của khách sạn trong quý III sẽ không có nhiều biến chuyển so với quý liền trước bởi Việt Nam đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ 2 và nhiều thành phố hoặc địa phương đang phải kiểm soát chặt để ngăn ngừa sự lây lan. Theo đó, chắc chắn thị trường phải tìm kiếm cơ hội thông qua M&A.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng khó khăn với thị trường BĐS là thực sự. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn quan tâm, tìm kiếm cơ hội thông qua những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) vì tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam trong nhiều năm.
Theo ông Khương, các thương vụ M&A sẽ chia ra làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất nhằm vào các tài sản tạo ra dòng tiền, ví dụ các tòa nhà xây sẵn; Nhóm thứ 2 là dự án đất trống, mất vài năm để hoàn thành việc mua bán sáp nhập. Các nhà đầu tư trong nước đi tìm cơ hội đầu tư vì cho rằng khó khăn của người này là cơ hội của người khác. Với các nhà đầu tư nước ngoài, họ sẵn sàng tham gia vào thị trường Việt Nam, ví dụ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Chuyên gia đến từ Savills Việt Nam nhận định thị trường BĐS hiện nay đang tốt hơn nhiều so với giai đoạn 2009, khi nhà đầu tư nhìn vào tính thanh khoản đang có, kiểm soát được rủi ro ngoại trừ pháp lý dự án đang khó khăn. Nền kinh tế có thể được phục hồi từ 6 tháng đến một năm. Nếu có khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp cũng tìm kiếm các đối tác để hợp tác, rao bán dự án thay vì đẩy nó trở thành nợ xấu ngân hàng.
Trước đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng đây là thời điểm khó khăn của nhiều nhà đầu tư dù vậy với nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS không chỉ trong và ngoài nước, thì đây lại là cơ hội rất lớn đối với họ.
Thực tế, thị trường đã chứng kiến nhiều nhà đầu tư tiềm lực sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực BĐS. Từ 2019 đến nay đã có một số dự án đang trong quá trình quá trình thương thảo với tổng giá trị ước tính hơn nửa tỉ đô la.