Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, đoàn công tác Bộ NN&PTNT và các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã khảo sát tình hình sản xuất lúa tại một số tỉnh ở ĐBSCL để phục vụ xây dựng đề án.
Các địa phương được khảo sát đều thể hiện sự đồng thuận và đánh giá cao ý tưởng của đề án và có kế hoạch tham gia. Kết quả đã có 12/13 tỉnh, thành phố trong vùng đăng ký tham gia đề án, với tổng diện tích dự kiến đến năm 2025 là 719.000ha và đến năm 2030 đạt 1.015.000ha. Bến Tre là tỉnh duy nhất không tham gia đề án do có ít diện tích lúa.
Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang (địa phương có diện tích lúa đứng đầu cả nước và đăng ký tham gia đề án nhiều nhất), tỉnh đáp ứng được các điều kiện khi tham gia đề án, thậm chí tỉnh ra điều kiện còn “cao” hơn như sản xuất phải có HTX, hạ tầng đảm bảo, phải có DN thu mua…
“Kiên Giang mạnh dạn đăng ký đưa 60.000ha vào sản xuất ngay từ năm đầu tiên thực hiện (năm 2024). Đây là dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL, cũng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ và quy hoạch vùng ĐBSCL…”, ông Toàn nói.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, thực hiện đề án cần xác định rõ 6 thách thức lớn: Đầu tiên là tư duy, bà con phải thay đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Thứ hai là sản xuất phải đạt chuẩn, phải liên kết, lúa thì nhiều nhưng đạt chuẩn được bao nhiêu, liên kết được bao nhiêu. Thứ ba là việc tạo dựng thương hiệu gạo. Thứ tư là khâu bảo quản, chế biến (còn rất yếu). Thứ năm là hạ tầng (hạ tầng mềm, hạ tầng cứng) và thứ sáu là việc chỉ đạo, tổ chức sản xuất.