Một câu hỏi lớn trong đầu các nhà đầu tư là liệu hoặc khi nào virus Corona, căn bệnh xuất phát từ Vũ Hán, sẽ trở thành bệnh dịch đủ để "lây nhiễm" trên thị trường.
"Nó chỉ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và sự gián đoạn mà nó gây ra", Rick Kahler, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Kahler nói. Theo ông, các thị trường địa phương, đặc biệt ở Trung Quốc, sẽ là những người phản ứng đầu tiên.
Kể từ thứ 6, Trung Quốc đã mở rộng lệnh cấm du lịch với tổng số gần 35 triệu người không thể rời khỏi quốc gia này bằng đường hàng không hoặc đường sắt. Vì vậy, các nhà phân tích dự báo các lĩnh vực như du lịch, giải trí, năng lượng và bán lẻ có thể bị tác động rất lớn. Trong khi đó, lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, bao gồm vật tư y tế, các nhà sản xuất vaccine, có tể hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng.
Theo Darrell Cronk, Chủ tịch Viện Đầu tư Wells Fargo, đã có một số áp lực giảm, đặc biệt với cổ phiếu ở thị trương mới nổi. Ông cho rằng điều này sẽ tạo áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.
Cả chiều rộng và sâu của bất cứ tác động nào trên thị trường đều phụ thuộc vào độ nghiêm trọng cũng như sự lan rộng của căn bệnh này. Thời gian căn bệnh kéo dài đặt ra nhiều vấn đề, ông Keith Cox đến từ Harris Financial Group cho biết. Theo ông, nếu căn bệnh chỉ tồn tại trong vài tuần, sẽ không có vấn đề gì lớn. Nhưng nếu nó kéo dài trong nhiều tháng, chắc chắn sẽ tác động đến GDP.
Các nhà quan sát cho biết có cả sự tương đồng và khác biệt khi so sánh cúm Vũ Hán với SARS. Hội chứng hô hấp cấp tính nặng xuất hiện cuối năm 2002 và trong năm 2003 đã làm 800 người ở 17 quốc gia thiệt mạng đã tạo cho các nhà đầu tư một số tiền lệ. Ông Cronk cho rằng năm 2003 các nhà đầu tư vừa thoát khỏi một cuộc suy thoái tương đối khắc nghiệt nên rất khó để giải quyết cả hai vấn đề này.
Còn với Corona, ông nói thêm rằng, phạm vi dịch bệnh chưa ở mức độ như SARS cung như các đợt bùng phát bệnh trong quá khứ như cúm lợn, cúm gia cầm và Ebola. Dù vậy dịch bệnh cũng đang lây nhiễm nhanh nhưng nếu trong phạm vi có thể được kiểm soát, thị trường vẫn sẽ ổn, Cronk nói.
Theo ông, các thị trường sẽ bắt đầu phản ứng nhiều hơn nếu bắt đầu nhận thấy sự lây lan của virus Corona, đặc biệt ở Mỹ. Sự kết nối của các nền kinh tế có nghĩa là bất cứ một biến động nào cũng có thể lan rộng trên toàn cầu – Cox cho biết. "Châu Á là một phần lớn của kinh tế thế giới, tôi nghĩ nó sẽ ảnh hưởng đến mọi người".
Một nghiên cứu năm 2004 xác định rằng SARS đã gây thiệt hại tổng cộng khoảng 40 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu. Các nhà nghiên cứu cho rằng bất cứ một cuộc khủng hoảng nào tương tự xảy đến cũng đẩy con số này đi xa hơn do thị trường nhạy cảm hơn với các yếu tố gây sợ hãi.
Phản ứng của Chính phủ và các Tổ chức như WHO có thể là những tín hiệu cho các nhà đầu tư khiến cho thị trường chuyển động theo hướng tốt hơn hoặc xấu hơn. Và một ẩn số khác cần quan tâm là phản ứng của Chính phủ Trung Quốc, theo NBC News.