Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, SAS) đã chính thức tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019 thông qua kế hoạch doanh thu thuần tăng 8% lên 2.859 tỷ, lợi nhuận trước thuế ước đạt 425 tỷ đồng, tăng 4%.
Đáng chú ý, Công ty cũng trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không và dịch vụ cung cấp suất ăn đường sắt. Theo đó, Sasco cho biết đã bắt đầu cung cấp suất ăn cho hãng hàng không Bamboo Airways vào đầu năm nay.
Sáng ngày 16/1/2019, hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC đã cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên từ Sài Gòn đi Hà Nội. Theo kế hoạch, Bamboo Airways sẽ khai thác 37 đường bay Việt Nam và quốc tế trong năm 2019.
Trên thực tế, Sasco đã bắt đầu kinh doanh cung cấp suất ăn chuẩn hàng không cho đường sắt vào đầu năm 2018, lúc bấy giờ Công ty đăng ký hoạt động này tại khoản mục dịch vụ ăn uống khác.
Nói về năm 2019, phía Công ty bày tỏ lo ngại với chỉ tiêu tăng trưởng doanh số khi sức mua của hành khách hàng không dự báo không còn tốt như những năm trước. Bên cạnh đó, sân bay đang quá tải cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm mua hàng và dặc biệt là tiềm năng tăng trưởng của các dịch vụ phi hàng không.
Song song, tốc độ tăng trưởng lượt hành khách thời gian tới theo nhiều ý kiến sẽ chậm lại. Trong đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) dự báo lượt hành khách tại sân bay SGN vào khoảng 40,5 triệu lượt khách trong năm 2019, tăng 5% với 16,1 triệu lượt khách quốc tế và khách nội địa là 24,4 triệu lượt.
Về Sasco, Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ phi hàng không tại các sân bay Tân Sơn Nhất (SGN) và Cam Ranh (CXR) với sở hữu vốn Nhà nước hiện ở mức 49% (đại diện bởi ACV).
Chi tiết, hoạt động kinh doanh phi hàng không hiện chiếm gần 80% doanh thu Công ty, bao hồm:
+ Kinh doanh miễn thuế đóng góp 50% doanh thu: Hiện Sasco là đơn vị duy nhất kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay SGN;
+ Kinh doanh bán lẻ tại sân bay (dịch vụ nhà hàng, café, chuỗi nhà hàng nhượng quyền, bán hàng mỹ nghệ, quảng cáo sân bay) đóng góp 13% doanh thu;
+ Kinh doanh dịch vụ phòng chờ thương gia đóng góp 16% doanh thu: Hệ thống phòng chờ hạng thương gia của Sasco bao gồm 8 phòng chờ (3 tại ga quốc nội và 5 tại ga quốc tế) tại sân bay SGN. Trong tháng 7/2018, Sasco tiếp tục triển khai phòng chờ CIP tại ga quốc tế sân bay CXR;
Ngoài ra, các dịch vụ khác khu nghỉ dưỡng, xe du lịch, taxi, vận chuyển hành khách ở Phú Quốc và sản xuất nước mắm ở Long An… chiếm 21% tỷ trọng doanh thu còn lại.
Sasco còn kinh doanh các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc. Đặt kế hoạch cho năm 2019, Sasco sẽ triển khai 1 số dự án bất động sản ở trung tâm thị trấn Dương Đông, Phú Quốc.
Nhận định trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng với sự hỗ trợ của ACV, Sasco có lợi thế trong việc mở rộng kinh doanh khi có thêm mặt bằng mới tại SGN, trong trường hợp dự án nhà ga T3 được phê duyệt và xây dựng trong thời gian tới. Tuy nhiên, rủi ro chi phí thuê mặt bằng tăng nhanh trong khi triển vọng của các hoạt động kinh doanh phi hàng không không mấy khả quan (do SGN bị quá tải) sẽ bào mòn biên lợi nhuận của Công ty.
Về kinh doanh, VDSC kỳ vọng mảng phòng chờ thương gia sẽ là điểm sáng khi các phòng chờ CIP mới tại CXR được ghi nhận đầy đủ doanh thu và lợi nhuận trong năm nay. Mặc dù vậy, nhìn chung, lợi nhuận sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ do tiềm năng của các hoạt động kinh doanh tại SGN tương đối hạn chế.