Trong phiên giao dịch hôm qua (22/1), thanh khoản thị trường chứng khoán đạt hơn 20,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 19/1, thanh khoản đạt hơn 16,6 nghìn tỷ đồng).
Đây là điểm khá bất ngờ so với những năm trước, bởi thường đến sát Tết, tâm lý nhà đầu tư khá dao động trước kỳ nghỉ Tết vì "hàng tá" lý do.
Xét phiên giao dịch ngày 22/1, có thể thấy, nhóm ngân hàng vẫn hấp dẫn, dòng tiền chưa có dấu hiệu thoát ra, dù các mã thu hút dòng tiền lớn trước đó như BID, CTG, MBB, ACB gần đây chững lại hoặc giảm nhẹ.
Tuy nhiên, có thể xem đây là nhịp nghỉ, chững lại đà tăng chứ không phải quay đầu chuyển sang xu hướng giảm.
Ngoài ra, xét từ cuối tuần trước, dòng tiền đã cho thấy dấu hiệu bắt đầu lan tỏa sang nhóm vốn hóa trung bình, rồi lan ra nhóm cổ phiếu ngành thép, chứng khoán, bất động sản . Nhìn chung, thị trường chưa xuất hiện rủi ro cao. Dòng tiền vẫn tích cực, dần lan tỏa sang nhiều nhóm mới, tạo động lực kéo thị trường tiến xa hơn, ít nhất là có thể sẽ sớm chinh phục mốc 1.200 điểm ngay trước thời điểm Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, xét về dài hạn thì dòng tiền trên thị trường đang rất dồi dào và chỉ chờ tín hiệu tốt để nhập cuộc.
Cụ thể, số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2023 cho thấy, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối năm 2023 đạt khoảng 83.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý.
Không chỉ lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán gia tăng, nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư cũng được thúc đẩy mạnh.
Theo đó, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý IV/2023 ước tính lên đến 180.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ so với cuối quý III. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 172.000 tỷ đồng, cũng tăng 13.000 tỷ đồng trong quý cuối năm.
"Xét về tầm nhìn trung hạn và dài hạn thì điều quan trọng là thị trường đang ở trong xu hướng tăng, thanh khoản được cải thiện. Dòng tiền ở nhóm ngân hàng có thể sẽ sớm lan tỏa ra các nhóm khác, dù nhóm này dẫn sóng. Vì vậy, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cao ở nhóm ngân hàng, canh nhịp nghỉ, điều chỉnh để tích lũy thêm hoặc mua mới.
Tất nhiên, danh mục nên chia ra 3-4 ngành, có thể mua thêm nhóm bất động sản , chứng khoán để tránh rủi ro "bỏ trứng vào một rổ", một chuyên gia tư vấn đầu tư của chứng khoán SSI, khuyến nghị.
Dòng tiền có thể sẽ rút dần khỏi thị trường dịp sát Tết
Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, dòng tiền thường có xu hướng chậm dần và giảm giải ngân vào thị trường dịp sát Tết vì 4 lý do.
Thứ nhất, trong một khoảng thời gian dài nghỉ Tết (khoảng 7-9 ngày), các nhà đầu tư sẽ không biết được những diễn biến xảy ra xung quanh trong khoảng thời gian này như địa chính trị trên thế giới, những chính sách ở các quốc gia lớn có thể tác động đến các chính sách ở các quốc gia khác như Việt Nam và các nước lân cận… Vì thế, để phòng chống việc các thông tin vượt tầm kiểm soát, dễ bị động, các nhà đầu tư thường có xu hướng chậm giải ngân, hạn chế giải ngân vào thị trường.
Thứ hai, có một số nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nên khi thị trường đang diễn ra liên tục, họ sẽ chủ động đầu tư vào và rút tiền ra nhanh được. Còn dịp nghỉ Tết thì lại kéo dài 7-9 ngày, không có hiệu quả mà lại có thể có những rủi ro mới phát sinh mà nhà đầu tư khó lường trước, lại thêm gánh khoản lãi suất margin nên chiến lược của những nhà đầu tư này là không tăng vay margin để giải ngân vào thị trường.
Lý do thứ 3, có những nhà đầu tư có tâm lý khi thị trường nghỉ dài ngày mà cũng không có gì hấp dẫn thì họ sẽ bán, rút tiền ra và không giải ngân vào thị trường. Mang số tiền này về tiêu Tết hoặc đem gửi tiết kiệm để tận dụng một khoản lãi suất nhàn rỗi trước khi tham gia lại thị trường.
Cuối cùng, dòng tiền cuối năm có những nhà đầu tư cũ, lãnh đạo cấp cao của DN…, khi thị trường nghỉ một thời gian dài và cũng không có gì hấp dẫn để tham gia, họ sẽ có khuynh hướng rút dòng tiền ra để bổ sung cho các hoạt động kinh doanh cá nhân, vì vậy, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán cũng sẽ bị hạn chế.
Nhận định về việc thanh khoản thị trường phiên giao dịch 22/1 khá bùng nổ, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam dự đoán, có thể bắt đầu có tín hiệu, dấu hiệu một số nhà đầu tư chọn giải pháp bán rút tiền ra, cho nên hành động bán của họ mạnh mẽ hơn.
"Còn những người bán khớp, đồng nghĩa với những người mua khớp, những nhà đầu tư có quan điểm đầu tư trung và dài hạn nhiều hơn, họ thấy có những cổ phiếu giảm 1%-3% và thấy hợp lý nên chấp nhận mua vào và giữ qua Tết, dẫn đến thanh khoản thị trường tăng", ông Phương lý giải.