Ngày 1/3/2021, công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev ra đời với tổng vốn đầu tư ban đầu của liên doanh Vibev là 400 tỷ đồng, KIDO góp 49% (tương đương 196 tỷ đồng) và Vinamilk góp 51% (tương đương 204 tỷ đồng).
Vibev có trụ sở chính được đăng ký tại số 10, đường Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
Vibev ra đời xuất phát từ việc đón đầu xu hướng sống xanh và lành mạnh, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, chọn lọc thực phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, không có chất bảo quản đang trở nên ngày càng phổ biến.
Liên doanh Vibev được kỳ vọng sẽ tận dụng được lợi thế hệ thống phân phối có sẵn của Vinamilk và Kido. Sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi chính là “phát súng” chào sân của liên doanh Vibev cách đây hơn một năm.
Đến nay, Vibev đã cho ra mắt 2 dòng sản phẩm sữa hạt và trà với tổng cộng 8 sản phẩm có hạn sử dụng 28 ngày, 100% không chất bảo quản.
Về tham vọng, Vibev đặt mục tiêu nắm giữ vị trí số 1 về thị phần trong ngành nước tươi với sản lượng đạt 150 triệu chai/năm (tương đương hơn 2.000 tỷ) sau 5 năm vận hành.
Trong BCTC hợp nhất của Kido, khoản đầu tư vào công ty liên kết Vibev được trình bày từ quý II/2021 đến nay. Theo đó, giá trị còn lại của khoản đầu tư này tại thời điểm 30/09/2022 là 160,3 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 49%. Như vậy, so với số vốn đầu tư ban đầu là 400 tỷ đồng, Vibev đã lỗ lũy kế khoảng gần 73 tỷ đồng sau gần 2 năm hoạt động.
Dây chuyền sản xuất sữa đậu xanh tươi của Vibev
Thức uống tươi - Tiềm năng lớn nhưng thách thức giai đoạn đầu là khó tránh khỏi
Theo phỏng vấn các chuyên gia trong ngành thực phẩm đồ uống của Vietnam Report tiến hành tháng 9/2019, có đến 46% các chuyên gia nhận định rằng Sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thiên nhiên và 36% nhận định rằng Sản phẩm tiện lợi, sản phẩm khác lạ cho giới trẻ sẽ là những xu hướng chính của các dòng sản phẩm trên thị trường trong thời gian tới.
Theo khảo sát nhanh hành vi người tiêu dùng trên 2 thành phố lớn của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/2019 của Vietnam Report cũng cho thấy ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng khi mua các sản phẩm thực phẩm – đồ uống đó là Thành phần dinh dưỡng đầy đủ (tỷ lệ phản hồi 60,3%), tiếp đến là Sản phẩm có nguồn gốc Organic (tỷ lệ 51,5%).
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất trong giai đoạn đầu đều khó có thể tránh được việc thua lỗ do phải đầu tư nhiều chi phí cho việc nghiên cứu sản phẩm, thị trường, đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ, quảng bá sản phẩm,...
Thị trường đồ uống tươi, hạn sử dụng ngắn chưa có nhiều đơn vị chú trọng và khai phá trong khi nước uống có gas và cồn đã cạnh tranh rất khốc liệt. Mặc dù còn tiềm năng nhưng mảng đồ uống tươi cũng có không ít thách thức:
Thứ nhất , chính vì đặc tính "tươi", hạn sử dụng ngắn nên điều kiện bảo quản và vận chuyển khắt khe (ở nhiệt độ từ 3 độ đến 7 độ trong tủ mát, chở bằng xe lạnh chuyên dụng) dẫn đến chi phí lưu thông sản phẩm lớn.
Bên cạnh đó, sản xuất và kinh doanh những thực phẩm có hạn sử dụng ngắn đặt ra bài toán kinh tế đầy thách thức về hàng tồn kho khác hẳn những sản phẩm có hạn sử dụng dài.
Thứ hai, các sản phẩm như sữa ngô, sữa đậu,.. có thể được nấu tại nhà với sự trợ giúp của các loại máy móc hiện đại. Điều này vô hình trung làm giảm cầu của sản phẩm.
Thứ ba , sân chơi của mảng đồ uống tươi thiếu vắng các tên tuổi lớn nhưng lại rất nhiều các nhà cung cấp tư nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở các khu vực dân cư. Lợi thế của những đơn vị cung cấp này là nằm tại địa phương, thuận tiện cho việc cung ứng sản phẩm và có thể linh động số lượng sản xuất theo nhu cầu.
Một lý do nữa theo tham khảo ý kiến người tiêu dùng, đó là hương vị sản phẩm sản xuất công nghiệp thường ngọt hơn so với sản phẩm tự nấu hoặc được nấu thủ công, trong khi hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng ăn uống ít ngọt hơn.