Còn nhớ hồi cuối tháng 5/2021, giới chuyên gia và người dân ở TP.HCM quan tâm tới đề xuất của CII làm tuyến đường trên cao 30.000 tỷ đồng. Dự án được kiến nghị triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Thực tế, bất kỳ dự án giao thông nào được đề xuất, triển khai đầu tư ở TP.HCM đều được người dân ủng hộ. Bởi, bức tranh giao thông hiện nay ở đại đô thị hơn 10 triệu dân đang ngày càng quá tải và lạc hậu.
Chia sẻ với Nhadautu.vn , TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức (Đại học Việt Đức) cho rằng, việc đề xuất làm đường trên cao này là hết sức cần thiết, bởi nhu cầu tại TP.HCM là rất lớn, hạ tầng giao thông đang chưa đáp ứng kịp thời.
"Với đô thị lớn hơn 10 triệu dân, cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay đang rất hạn chế. Nói về đô thị lớn là phải có các tuyến đường trên cao, tuyến tốc độ cao để kết nối các khu vực quận, huyện với nhau, kết nối từ ngoại ô vào trung tâm hay kết nối trực tiếp đến sân bây, bến cảng… Tuy nhiên, những hạ tầng như vậy tại TP.HCM gần như là không có", TS Tuấn cho hay.
Mới đây, CII tiếp tục đề xuất UBND TP.HCM về việc dùng nguồn vốn xã hội hóa xây dựng đường trên cao Bắc - Nam của TP.HCM, đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh.
Theo đề xuất, dự án có tổng chiều dài khoảng 14,1 km, chia làm 3 đoạn. Trong đó, đoạn 1 dài 3,4 km, theo quy hoạch tuyến trên cao số 1, từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh đến nút giao Lăng Cha Cả; Đoạn 2 dài 2,6 km, theo quy hoạch tuyến trên cao số 2, từ nút giao Lăng Cha Cả đến ngã ba Bắc Hải - Thành Thái; Đoạn 3 dài 8,1 km theo quy hoạch tuyến trên cao số 3, từ ngã ba Bắc Hải - Thành Thái đến đường Nguyễn Văn Linh.
Đáng chú ý, cách đây 1 năm, tổng mức đầu tư thực hiện dự án lần này đã tăng hơn 8.000 tỷ đồng, là 38.192 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường GPMB là 18.992 tỷ đồng, chi phí xây dựng công trình là 19.200 tỷ đồng.
CII cho biết, đối với dự án đường trên cao đã xây dựng rất nhiều mô hình tài chính để tính toán. Song, do tổng mức đầu tư quá lớn nên việc thực hiện toàn bộ dự án bằng hình thức PPP là không khả thi.
Do đó, CII kiến nghị UBND TP.HCM cho phép áp dụng Điều 72 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Trong đó, tách dự án làm 2 dự án độc lập. Cụ thể, dự án 1 là đền bù GPMB và xây dựng nhà tái định cư, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Dự án 2 là đầu tư xây dựng đường trên cao Bắc - Nam bằng hình thức BOT. Thời gian xây dựng của dự án 2 là 36 tháng và sẽ được triển khai khi dự án 1 đã hoàn thành. Điều này nhằm tránh lãng phí và hạn chế khó khăn trong giao thông cho người dân do phải ngừng thi công, duy trì các lô cốt, chờ đền bù GPMB.
Về phương án hoàn vốn dự án, mức phí sử dụng dịch vụ đường trên cao dự kiến thu tại năm 2026 là 130.000 đồng/lượt (suốt tuyến), áp dụng cho xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt vận tải khách công cộng. Thời hạn 5 năm tăng mức phí 1 lần, mỗi lần 25%. Đồng thời, CII cũng kiến nghị được đầu tư xây dựng và khai thác các căn hộ dịch vụ cho thuê, có thời hạn 49 năm và sau đó toàn bộ được bàn giao lại cho TP.HCM.
Ngoài ra, đơn vị này còn đề xuất việc xây cao ốc ở phía trên tuyến đường, trong khu vực cù lao Nguyễn Kiệu, quận 4 nhằm bổ sung nguồn hoàn vốn cho dự án, sử dụng có hiệu quả quỹ đất đô thị, tạo điểm nhấn về kiến trúc và quy hoạch. Cụ thể, kiến nghị UBND TP.HCM điều chỉnh quy hoạch cù lao Nguyễn Kiệu thành tái định cư và căn hộ dịch vụ cho thuê. Trong đó, phần căn hộ dịch vụ cho thuê là 2,76 ha và phần dành cho tái định cư là 1,74 ha.