CTCP Dược OPV đang có kế hoạch bán 100% vốn, một nguồn tin cho hay, thương vụ được dẫn dắt bởi Navis Capital – hiện cũng là cổ đông lớn và muốn thoái vốn.
Được biết, Navis Capital Partners thành lập năm 1998 tại Singapore, với định hướng chủ yếu để đầu tư vào lĩnh vực vốn cổ phần tư nhân (private equity), hoạt động chủ yếu tại khu vực Nam và Đông Nam Á... Tại Việt Nam, giai đoạn 2012-2013 Navis quản lý tổng vốn quy mô 3 tỷ USD, và bắt đầu thông qua các quỹ của mình đã đầu tư vào một số doanh nghiệp tại Việt Nam gồm CTCP Dược phẩm OPV, CTCP Gò Đàng (AGD) và một đơn vị kinh doanh nội thất cao cấp - Theodore Alexander.
Dược OPV là khoản đầu tư thứ 2 của Navis tại Việt Nam. Vào cuối năm 2012, Navis đã phát đi thông cáo hoàn tất rót vốn vào OPV với cổ phần chi phối (tỷ lệ cụ thể không được tiết lộ). Lúc bấy giờ, Navis cho biết khoản đầu tư sẽ giúp cho hai bên (phía OPV là vốn công ty gia đình) hướng đến khai thác ngành dược phẩm Việt Nam.
Tính đến tháng 9/2020, OPV có vốn điều lệ 451,9 tỷ đồng, do 4 tổ chức có cùng địa chỉ tại Singapore sở hữu 100% vốn.
"Thị trường dược Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng trong vài năm tới. OPV cùng với một số đối tác cùng ngành khác của chúng tôi sẽ tạo nên một hệ sinh thái, cộng hưởng lợi thế qua lại từ đó khai thác ngành dược. Chúng tôi kỳ vọng sẽ cùng nhau tạo ra giá trị tăng trưởng, đi cùng với xu hướng gia tăng nhu cầu và giá cả thuốc trong tương lai", ông David Ireland, đại diện Navis nói.
Phía OPV, ông Nguyễn Cao Thắng, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT cũng nhận định: "Đây là một tin tốt cho OPV. Công ty kỳ vọng đối tác Navis sẽ củng cố thêm sức mạnh để OPV đáp ứng tốt nhất nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ của người Việt đang gia tăng. Chúng tôi rất hoan nghênh khoản đầu từ này từ Navis".
Như vậy, sau 10 năm rót vốn với mục tiêu cùng phát triển, Navis đang muốn thoái vốn tại Dược OPV – đơn vị sản xuất thuốc thâm niên của Việt Nam. Trong đó, quỹ ngoại đang hỗ trợ, dẫn dắt để phía tư nhân bán 100% vốn Công ty.
Đây được xem là một trường hợp đi ngược so với M&A ngành hiện nay. Trong khi các hãng dược lớn tại Việt Nam lần lượt bị "thâu tóm" bởi các đối tác ngoại sau thời gian rót vốn. Cũng cần điểm lại, được đánh giá là ngành có tiềm năng gắn liền với mức sống cũng như độ chịu chi cho sức khoẻ gia tăng, song ngành dược cũng là sân chơi khá khốc liệt với những biến động nhạy bén theo thay đổi chính sách, cũng như giới hạn về khả năng chế biến, sản xuất so với các nước lân cận. Như vậy, chỉ một số đơn vị với những lợi thế nhất định mới có thể phát triển ổn định, cũng như nắm bắt được nhu cầu gia tăng hiện nay.
Về OPV, theo giới thiệu tại Website, từ một cửa hàng bán thuốc được thành lập vào năm 1950 tại Huế, OPV đã trở thành công ty dược phẩm lớn nhất Việt Nam trong những năm 1970 và là đơn vị cấp phép độc quyền cho cả kinh doanh và sản xuất cho những công ty dược phẩm đa quốc gia đứng đầu thế giới như Bayer, Ciba Geigy, Mead Johnson, Merck Sharp & Dohme, Roche, Sandoz, Smith Kline & French, Upjohn, và Warner Lambert.
OPV cũng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm quy mô và trở thành đối tác cùng tập đoàn Nestle xây dựng nhà máy sữa dành cho trẻ em tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phát triển của OPV bị gián đoạn vào năm 1975 khi những người sáng lập của công ty di cư sang Mỹ. Nhưng đến năm 1993, OPV trở lại với việc cung cấp và quảng bá các sản phẩm dược phẩm tại thị trường VIệt Nam.
Vào năm 2003, cùng hợp tác với một công ty dược phẩm của Mỹ và nhà tư vấn GMP của Đức, OPV đã hoàn tất việc xây dựng nhà máy dược phẩm mới theo tiêu chuẩn WHO – GMP và sản xuất những sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế. OPV cũng liên doanh với công ty dược phẩm Otsuka Nhật Bản để sản xuất và phân phối dung dịch dẫn truyền tĩnh mạch (nước biển y tế).
OPV đi tiên phong là thương hiệu dược phẩm được phân phối và sử dụng khắp Việt Nam thông qua các cửa hàng dược phẩm, phòng khám và bệnh viện. Với sản phẩm chất lượng, OPV đã xây dựng danh tiếng vững chắc trong cộng đồng y tế trong nước và các đối tác quốc tế.
OPV cũng thành công tại những hợp đồng sản xuất cho đối tác nướ ngoài, cụ thể là một số công ty dược phẩm lớn của thế giới như: GlaxoSmithKline (GSK), Công ty dược phẩm Otsuka, Johnson & Johnson, và MSD.
Hiện, OPV khá mờ nhạt trên thị trường dược Việt Nam, dù có thâm niên và những bước phát triển mạnh mẽ thuở đầu.