Tỷ lệ hộ gia đình 1 người tăng lên trên 10%
Báo cáo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại buổi làm việc ngày 21/9 tại Hà Nội, bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình cho biết, hiện cả nước có gần 27 triệu hộ gia đình, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009.
Cả nước có 7,7% người từ 65 tuổi trở lên và 3,7% người từ 5 tuổi trở lên bị khuyết tật. Hầu hết người cao tuổi và người khuyết tật hiện nay đang sống trong gia đình và gia đình đang phải thực hiện bảo trợ đối với nhóm xã hội này.
Tình trạng sinh con ở tuổi từ 10-17 tuổi (tuổi chưa thành niên) chiếm tỷ lệ 3,3% (cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc 9,7%) và Tây Nguyên (6,8%). Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ sinh con khi chưa thành niên thấp nhất (1,1%).
Tỷ số giới tính khi sinh ở đồng bằng sông Hồng 115,5 bé trai/100 bé gái. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi (nam giới 71 tuổi, nữ giới là 76,3 tuổi). Tỷ lệ hộ gia đình 1 người tăng từ 7,2% vào năm 2009 lên 10,4% năm 2019. Mặt khác, gia đình từ 5 người trở lên lại giảm từ 28,9% xuống còn 25,1%.
Số vụ ly hôn tăng, nguyên nhân liên quan đến bạo lực gia đình như bị đánh đập, ngược đãi, vợ/chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình…Về tổn thất kinh tế do bạo lực gia đình: theo điều tra năm 2012 tổn thất khoảng 1,78% GDP, năm 2020 sẽ tăng lên 2% GDP (theo điều tra của Tổng cục Thống kê và Bộ LĐTBXH).
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Gia đình cũng chỉ ra một số vấn đề thách thức đối với công tác gia đình trong giai đoạn hiện nay như vấn đề đạo đức lối sống trong gia đình đang báo động sự xuống cấp, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình đang dần mai một. Gia đình đang dần đánh mất vai trò trong giáo dục các thành viên gia đình gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc (đang dần đánh mất bản sắc gia đình Việt Nam).
Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức thuộc lĩnh vực gia đình hiện nay đang ngày càng bị thu hẹp ở cơ sở, hầu hết đang thực hiện mang tính kiêm nhiệm. Tại địa phương, hầu hết các địa phương chưa có cộng tác viên cơ sở, người đứng đầu chưa quan tâm do chưa nhận thức được đúng, đầy đủ tầm quan trọng của công tác gia đình đối với sự ổn định và phát triển của xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong thời gian tới, Vụ cần báo cáo Thứ trưởng phụ trách để báo cáo với tập thể Lãnh đạo Ban cán sự Đảng nhằm tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo đối với Vụ Gia đình, tăng nguồn lực, tạo cơ chế qua đó giúp Vụ Gia đình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng chiến lược văn hóa trong tình hình mới.
Vụ sớm tham mưu, trình cấp có thẩm quyền để tổng kết Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về công tác gia đình, từ Tổng kết đó, tham mưu để Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới hoặc kết luận tổ chức thực hiện.
Tham mưu để Lãnh đạo Bộ báo cáo với Chính phủ chỉ đạo về Sơ kết về Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và tham mưu để có chiến lược phát triển gia đình thời kỳ mới trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm tới.
Bên cạnh đó, phối hợp với Vụ Pháp chế, các cơ quan hữu quan xem xét, đề xuất với các Uỷ ban của Quốc hội, để rà soát lại việc bổ sung, sửa đổi các điều luật quản lý về gia đình.
Chủ động phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Vụ Gia đình trong tổng thể các cơ quan của Bộ, để sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về mô hình cơ quan tổ chức Chính phủ, trên cơ sở đó xây dựng cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
Tập trung làm tốt những nhiệm vụ đã được Bộ trưởng giao trên tinh thần trọng điểm. Đi sâu vào tổng kết mô hình và rút ra những kinh nghiệm từ các mô hình hay, từ đó phổ biến, nhân rộng triển khai, tạo sức lan tỏa.