Là gương mặt khá quen trong những bài chia sẻ với báo giới về hành trình kinh doanh gắn liền với chữ hiếu của mình, CEO Nguyễn Hồng Phúc, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phúc Nguyễn vẫn đang tiếp tục hành trình đi tìm thương hiệu cho những dự án liên quan đến sức khoẻ.
Trong lần gặp gỡ mới đây, Nguyễn Hồng Phúc vẫn trông khá nghệ sĩ trong mái tóc dài, song đằng sau hình ảnh đó là 20 năm lăn lộn thương trường với biệt danh "Phúc chiến lược". Mặc dù có kinh nghiệm hàng chục năm trong chiến lược kinh doanh, tuy nhiên hành trình của ông Phúc cũng lắm gian truân với 2 lần "hụt" mất thương hiệu.
Cùng với đó, ngã rẽ mới về Trung tâm hỗ trợ phục hồi kháng ung thư với tổng đầu tư 100 tỷ cũng không kém thử thách; tuy nhiên với sự hỗ trợ đồng hành từ các quỹ mạo hiểm, cùng những bài học trước đó, ông Phúc phân trần rất có niềm tin vào dự án – nơi mà tại đấy ông sẽ trong vai trò người truyền cảm hứng.
Hành trình kinh doanh gắn liền với chữ "hiếu" và bài học sau 2 lần "hụt" mất thương hiệu
Tâm sự về sự nghiệp của mình, ông Phúc kể, năm 2009, cha của ông bị ung thư trực tràng, sau khi hóa trị lần thứ hai thì phát hiện đã di căn sang thận, sức khỏe gần như suy kiệt. Trong quá trình tìm cách chữa bệnh ung thư trực tràng cho cha, ông Phúc đã biết đến một sản phẩm là nước ion kiềm tươi OH-, được tạo ra từ một loại máy của Nhật Bản, có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư nhưng giá rất đắt.
"Sau thời gian sử dụng loại nước này, kết hợp với dưỡng sinh, ăn uống thực phẩm sạch, bệnh của cha tôi đã cải thiện. Từ đó, tôi đã lên ý tưởng tìm nhà sản xuất để có thể phổ biến loại máy hữu dụng này cho nhiều người Việt Nam cùng được sử dụng", ông Phúc nói.
Qua tìm hiểu, biết ở Hàn Quốc cũng có đơn vị sở hữu công nghệ tương tự nhưng giá thành rẻ hơn, chỉ 37 triệu đồng/máy, tức chỉ tương đương hơn 1/3 so với giá máy của Nhật và có thể làm OEM (đặt hàng từ nhà sản xuất nhưng được lấy thương hiệu của mình), ông Phúc liền thành lập công ty, nhập lô hàng mẫu đầu tiên và lấy tên Alkaline nhưng đã được người khác đăng ký bảo hộ cho sản phẩm nước đóng chai.
Do đó, ông tiếp tục đàm phán với đối tác và chọn lại thương hiệu mới là Watapy. Rút kinh nghiệm từ bài học cũ, ông Phúc cẩn thận kiểm tra, rà soát rồi mới đi đăng ký bảo hộ. Gần 1 năm sau, lô máy đầu tiên về đến thị trường và được người dùng đón nhận. "Tôi cảm nhận được hạnh phúc của người dân như ngày mình tìm ra nước ion kiềm tươi cho cha", ông Phúc bồi hồi nhớ lại.
Tuy nhiên, để có hiệu quả thương mại thì phải cung cấp rộng rãi đến người bệnh thông qua các bệnh viện, đồng nghĩa với việc sản phẩm phải được Bộ Y tế cấp phép. Lần thứ hai, "Phúc chiến lược" bị mất thương hiệu khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thông báo thương hiệu Watapy đã có đơn vị khác nộp đơn đăng ký trước, không ai xa lạ chính là đối tác vận chuyển hàng từ nước ngoài mà bản thân ông vô cùng tin tưởng.
Đấu tranh giành lại thương hiệu cho "đứa con" tinh thần, đến nay máy tạo nước Watapy của ông Phúc đã đưa vào các bệnh viện phục vụ bệnh nhân và mở rộng hệ thống văn phòng ra khắp ba miền Bắc- Trung – Nam cùng hệ thống phân phối trên 20 đại lý khắp các tỉnh thành.
Sau tất cả, ông Phúc đúc kết: "Trong kinh doanh, khi có sự cố xảy ra, phải bình tĩnh để tìm cách xử lý. Cái gì của mình thì chắc chắn sẽ là của mình, nếu đủ bằng chứng, luật pháp sẽ công nhận, lẽ phải sẽ thắng.
Mặt khác, khi làm việc với đối tác, dù tin nhau đến đâu cũng phải có sự kiểm soát, đối chứng, tìm hiểu kỹ đối tác trước khi hợp tác lâu dài".
Tiếp tục đi tìm tên tuổi cho dự án 100 tỷ mới dưới hỗ trợ của các quỹ mạo hiểm
Từ hiệu ứng của máy lọc nước Watapy, ông Phúc tiếp tục với dự án mới, đầu tư xây dựng Trung tâm hỗ trợ phục hồi kháng ung thư, tại xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa với diện tích khoảng 2 ha, tổng số tiền đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Được biết, phục hồi kháng ung thư là ý tưởng mới, quỹ đất thực hiện lớn, các hạng mục của dự án lại không nằm trong danh mục được Nhà nước ưu tiên, đây là thử thách rất lớn cho người thực hiện, đặc biệt là khâu tìm quỹ đất.
"Hành trình tìm quỹ đất của tôi bắt đầu từ Tây Ninh, nhưng ở đây khí hậu khắc nghiệt. Madagui khí hậu mát nhưng nhiều điều kiện chưa đạt. Lâm Đồng thì khí hậu quá lạnh không phù hợp với người bệnh. Bến Tre thì nguồn nước chứa nhiều phèn, kim loại nặng. Khu vực Tây Nguyên cũng nhiều bất cập", ông Phúc nhớ lại. Cuối cùng, khu đất Nha Trang (2ha) được chọn là nơi đạt đủ tiêu chuẩn từ thổ nhưỡng, vị trí đến khí hậu cũng ôn hòa.
Sau khó khăn về quỹ đất, nguồn tài chính mạo hiểm để thực hiện dự án là bài toán nan giải tiếp theo. "Cái khó là khi dự án còn nằm trên giấy thì ít quỹ đầu tư mạo hiểm đủ niềm tin để đầu tư, và cũng rất khó tìm người tâm huyết, hiểu được giá trị tương lai của dự án để đi đường dài với mình", theo đó ông Phúc cho biết phải chia nhỏ giai đoạn, thực hiện từng bước các hạng mục trước khi kêu gọi vốn.
Đến nay, Công ty Dragon Land đã làm đơn vị kết nối, kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho dự án. Thậm chí, ông Phúc tiết lộ đang có nhiều quỹ đầu tư đến trao đổi, tìm hiểu để song hành với dự án.
Nói về tên tuổi cho dự án, rút kinh nghiệm từ bài học cũ, ông Phúc cho hay sẽ cẩn thận kiểm tra, rà soát kỹ càng rồi mới đi đăng ký bảo hộ thương hiệu nên không có rủi ro tranh chấp.
Song song, ông Phúc cũng lên kế hoạch triển khai dự án sinh thái, nhằm khuyến khích nông dân trồng rau sạch, thông qua đó có thể giúp cải tạo lại nguồn đất. Cụ thể, dự án sẽ giao công nghệ và cam kết bao tiêu hết sản phẩm, đồng thời ứng trước 50% giá trị bao tiêu cho nông dân yên tâm trồng trọt. Theo đó, dự án sẽ mua sản phẩm và bán với giá bình ổn cho người dân, nhất là cung ứng cho Trung tâm kháng ung thư và các bệnh nhân sau 120 ngày bình phục vẫn phải duy trì chế độ ăn uống sạch.