Bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết “Hiệp định đối tác Toàn diện & Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam - Canada có hiệp định thương mại tự do. Việt Nam hiện nằm trong nhóm đầu các nước xuất khẩu vào Canada, với kim ngạch đạt 4,4 tỷ USD, tập trung ở một số mặt hàng như giày dép, điện thoại di động, đồ nội thất, may mặc, thủy sản và hoa quả.
Một tổ máy sản xuất của Vinatex. Ảnh: Vinatex.
“Những tiêu chuẩn về thực phẩm, xuất xứ hàng hóa của Việt Nam đã cải thiện để tận dụng được những ưu đãi thuế quan”, bà Deborah Paul nói.
Báo cáo nghiên cứu “Việt Nam sau 2 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp” vừa được VCCI công bố cũng cho thấy 90% doanh nghiệp Việt được khảo sát đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, chất lượng để xuất khẩu vào những thị trường thành viên của CPTPP.
Công ty Cổ phần BM Windows hiện đang xuất khẩu sản phẩm nhôm kính sang thị trường Australia. Yêu cầu của thị trường đối với sản phẩm này là đảm bảo độ võng, kín khí, chống thấm, chịu lực và có tính thẩm mỹ. Ngoài ra, sản phẩm còn phải đáp ứng hàng loạt quy định về bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả các bang trên toàn nước Australia.
Ông Trần Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BM Windows cho biết việc đáp ứng tiêu chuẩn, chuẩn mực về sản phẩm của thị trường luôn được đặt lên hàng đầu. Việc xuất khẩu sang thị trường Australia và New Zealand, giúp chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp được lên nhiều lên và tăng trưởng luôn duy trì ở mức trên 2 con số. Theo đó, công ty đặt mục tiêu cho chiến lược kinh doanh là phải thâm nhập được vào nhiều hơn nữa thị trường thành viên của CPTPP trong thời gian tới.
Hiện 4/6 quốc gia phê chuẩn CPTPP đã có một hoặc nhiều FTA với Việt Nam, do vậy doanh nghiệp đã phần nào quen với hàng rào kỹ thuật, quy tắc xuất xứ. Đây cũng là lợi thế cho doanh nghiệp tận dụng đáng kể khi tham gia chuỗi giá trị.
Để giúp doanh nghiệp dễ dàng thực thi CPTPP, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 18 văn bản trong 2 năm vừa qua. Chưa kể, trong một số trường hợp, số lượng văn bản được xây dựng mới cho một vấn đề cam kết nhiều hơn so với kế hoạch đặt ra do cần hướng dẫn thi hành thêm hoặc quá trình thực thi cho thấy cần điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Cũng theo báo cáo của VCCI, cứ 20 doanh nghiệp được khảo sát thì chỉ có 1 doanh nghiệp biết rõ những cam kết trong CPTPP; Cứ 4 doanh nghiệp biết rõ cam kết thì chỉ có 1 doanh nghiệp tận dụng được những lợi ích và ưu đãi thuế quan.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO cho biết tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu mà doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan ở những thị trường mới như Canada hay Mexico cao hơn những thị trường khác như Nhật Bản. Điều này cho thấy doanh nghiệp chưa chú ý đến những lựa chọn mới. Điều này cũng lý giải tỷ lệ tận dụng được ưu đãi thuế quan trong những năm đầu của CPTPP thấp hơn so với những FTA khác, chẳng hạn như với EVFTA.
Theo đó, thị phần hóa hóa xuất khẩu Việt Nam tại các đối tác CPTPP còn thấp, cao nhất là Nhật Bản, ở mức 3,1%. Tiếp đến là thị trường Australia, 1,9% và New Zealand 1,6%. Tỷ lệ này ở Mexico là 1,3% và Canada 1,1%. Thấp nhất là thị trường Singapore, 1%. Trong khi đó quy mô thị trường 10 nước thành viên CPTPP lên tới 2.500 tỷ USD.
Lý giải một trong những nguyên nhân khách quan của tình trạng vừa nêu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết Việt Nam kỳ vọng rất nhiều vào những chuỗi giá trị như chế biến thực phẩm, hàng điện tử, dệt may trong thị trường CPTPP nhưng những chuỗi này đều bị ảnh hưởng, gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm vừa qua.
Cũng theo ông Dương, ở góc độ tích cực, nếu thích ứng tốt trong điều kiện, tình hình sản xuất khó khăn của dịch Covid-19, doanh nghiệp sẽ bật lên nhanh hơn. Đây sẽ trở thành lợi thế đối với doanh nghiệp khi Việt Nam đã phục hồi sớm hơn nhờ ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch Covid-19.
“Trước đây, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam phải mất 5 năm sau để duy trì đà tăng trưởng còn CPTPP mới trải qua 2 năm vẫn còn nhiều dư địa để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt nhịp với đà tăng trưởng”, ông Dương bình luận.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 03/2017 trên cơ sở thỏa thuận tiền thân là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). CPTPP được kÝ kết vào 8/3/2018 bởi 11 nước thành viên gồm Australia, Canada, Chile, Brunei, Mexico, Malaysia, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 với Australia, Canada, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Singapore và có hiệu lực từ 14/01/2019 với Việt Nam.