Cuối tháng 2/2019, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng xuất hiện trên chương trình Cất Cánh của VTV. Tại đây, vị doanh nhân nhiều năm bị gắn với biệt danh Quảng "nổ" đã trải lòng về những khó khăn sau khi bị cộng đồng mạng "ném đá", cũng như khát khao thực sự phía sau nỗ lực 10 năm theo đuổi phát triển smartphone ở Việt Nam.
Theo đó, năm 2005, BKAV thương mại hóa phần mềm diệt virus và Nguyễn Tử Quảng tuyên bố cho rằng người Việt có thể làm ra sản phẩm ngang hàng với thế giới. Lời nói khẳng định mạnh mẽ này bị cộng đồng mạng và giới truyền thông gán cho nhiều từ ngữ nặng lời, đó là "nổ", là "chém gió". Loạt công kích từ truyền thông khiến CEO BKAV từ hình ảnh một "hiệp sĩ công nghệ thông tin" lần đầu tiên phải đối mặt với scandal cùng con mắt nghi ngờ của người dùng.
Năm 2009, BKAV quyết định tham gia vào sản xuất điện thoại thông minh khi sản phẩm này manh nha bùng nổ trên cả thị trường thế giới lẫn Việt Nam. Nguyễn Tử Quảng cho rằng, đối với BKAV, đây là cơ hội để họ trở thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu.
Năm 2015, ngay sau khi BKAV ra mắt smartphone mang tên Bphone, thay vì được tưởng thưởng và ghi nhận, BKAV và đặc biệt là cá nhân CEO Nguyễn Tử Quảng bị "ném đá" với tần suất dày đặc và những lời lẽ ác ý.
"Tôi đã bị trầm cảm trong 2 năm. Và tôi phải tìm đến, nghiên cứu sâu về triết học, về khoa học vũ trụ - là những lĩnh vực tôi yêu thích từ bé, nhằm để giải thích bản chất của con người, bản chất của xã hội, và tôi đã tìm ra lời giải cho mình.
Đó là định kiến. Định kiến rằng Việt Nam không thể sản xuất ra những công nghệ nghệ, sản phẩm cạnh tranh với các nước hàng đầu thế giới, đặc biệt là định kiến trong cả 1 xã hội thì thật là khủng khiếp. Và không thể trong ngày một ngày hai có thể thay đổi định kiến đó. Nó phải là một công cuộc trường kỳ", ông Quảng chia sẻ.
Đây là lần thứ 2 ông Quảng nhắc đến việc mình bị trầm cảm. Trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp đầu năm 2018, CEO BKAV cũng từng chia sẻ về cú sốc này. Sau 2 năm trầm cảm và nghiên cứu, ông cho biết: "Bây giờ chúng tôi đã rút ra niềm tin vào doanh nghiệp Việt Nam đang cực kỳ thấp, đặc biệt là một sản phẩm về công nghệ lại còn thấp hơn. Đặc biệt mình còn nói hàng đầu thế giới, thì nó còn khó tin hơn nữa".
CEO này cho biết năm 2009 khi nhìn thấy cơ hội sẽ phổ biến, ông giao bài toán cho đội ngũ thiết kế yêu cầu: thứ nhất là tối giản, thứ hai trau chuốt, thứ ba là phải phẳng, thứ tư là phải khác biệt.
"Phiên bản 2017 tôi đã bỏ yếu tố khác biệt sau giai đoạn ra phiên bản năm 2015. Tôi biết rằng mình giảm những thứ tranh cãi đi. Mình ra cái đẹp thật nhưng tất cả xã hội đang như thế, xu hướng đang như thế bây giờ mình phải theo xu hướng cái đã. Mình chưa phải là người dẫn dắt thị trường, mình theo xu hướng, đừng giữ cái tôi của mình quá, hãy giảm nó đi. Và đến lúc nào mình dẫn dắt thị trường thì sẽ sáng tạo cái mới hẳn như thế, lúc đó mình có quyền năng mình nói điều đấy", ông Quảng chia sẻ lý do vì sao sự kiện Bphone phiên bản 2017 ra mắt không còn ồn ào như trước nữa.
Tuy nhiên ông Nguyễn Tử Quảng vẫn giữ vững niềm tin rằng đầu tư vào khoa học công nghệ sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những nước phát triển trên thế giới khi tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt.
"Cả triết học và thực tiễn đều chứng minh một quy luật hình sin rằng khi một sản phẩm khi đạt đỉnh cao sẽ thoái trào và có sản phẩm khác thay thế. Tôi lấy ví dụ trong ngành sản xuất smartphone, cách đây 5 năm ai có thể nghĩ rằng Nokia đến bây giờ biến mất khỏi thị trường. Ngay kể cả Apple thôi, trước khi ra điện thoại iPhone họ cũng đã từng có lúc phá sản. Người ta vẫn nói theo hình sin, lên đỉnh điểm rồi sẽ xuống, nếu anh không có cách khắc phục thì sẽ đi xuống và phần lớn là như vậy.
Các bạn hãy nhìn xem trong khu vực này, khu vực chúng ta Đông Nam Á, Nam Á hay thậm chí châu Á, hay cả thế giới đi ai sẽ thay thế Apple và Samsung ở đỉnh tiếp theo, nước nào có khả năng làm điều đó nếu như không phải là Việt Nam?", CEO BKAV chia sẻ đầy tin tưởng.