12 quản lý và cựu quản lý JVC vừa bị tố giác
Mới đây, CTCP Thiết bị Y tế Triết Tôn Tiên – một trong các khách hàng của Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) trước đó – đã có đơn tố giác hành vi có dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân giữ chức vụ quản lý tại JVC, bao gồm:
(1) Ông Phạm Quang Huy – Chủ tịch HĐQT
(2) Ông Đỗ Thanh Tùng – Nguyên Chủ tịch HĐQT
(3) Ông Ngô Thanh Sơn - Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật, vừa từ nhiệm kể từ ngày 31/8/2018
(4) Bà Hồ Bích Ngọc – Nguyên Kế toán trưởng
(5) Bà Lê Thị Hà Thanh – Kế toán trưởng
(6) Bà Vũ Thị Thúy Hằng – Phó Giám đốc
(7) Bà Đỗ Thị Ngọc Hoa – Nguyên Phó Giám đốc
(8) Ông Nguyễn Văn Trung – Trưởng Phòng Kỹ thuật
(9) Ông Vũ Mạnh Trường – Phó Phòng Kỹ thuật
(10) Bà Trần Thi Quỳnh Trang – Trưởng Phòng Kinh doanh
(11) Ông Đặng Quốc Việt – Nguyên Trưởng chi nhánh phía Nam
(12) Ông Mai Hữu Hiếu – Nguyên Phó Giám đốc
Theo tố cáo từ Triết Tôn Tiên, JVC đã bán cho Công ty một số máy móc cụ thể: 2 máy chụp cắt lớp vi tính trị giá hóa đơn hơn 42 tỷ, 1 máy chụp cộng hưởng từ trị giá 15,5 tỷ đồng, 6 máy siêu âm 7000HV 4 chiều trị giá hơn 13 tỷ đồng, 4 máy siêu âm Avius trị giá gần 10 tỷ đồng; trong đó có nhiều máy móc vẫn chưa được JVC giao hàng.
Đáng chú ý, tất cả các thương vụ trên đều được ghi nhận thời điểm trước năm 2015. Do đó, kể từ sau sự việc ông Lê Văn Hướng – cựu Chủ tịch HĐQT của JVC bị bắt giữ - Triết Tôn Tiên đến nay vẫn chưa nhận được hàng đã bán từ JVC. Đến nay, nhận thấy nhiều dấu hiệu nghi ngờ JVC đã sử dụng những máy móc trên để giao dịch lại với những đối tác khác, Triết Tôn Tiên chính thức có đơn tố giác hành vi có dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân giữ chức vụ quản lý tại JVC lên cơ quan chức năng.
Kết quả ngày 9/8/2018, Bộ Công an, Cơ quan An ninh Điều tra đã có văn bản gửi JVC đề nghị cung cấp thông tin, xác minh giải quyết tin báo về tội phạm của Triết Tôn Tiên đối với những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân giữ chức vụ quản lý tại JVC.
Liên quan đến vụ "bốc hơi" 500 tỷ tại JVC 3 năm về trước
Nhớ lại, câu chuyện về "ngôi sao" Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) từng gây nhiều sóng gió dư luận, ngay sau sự việc ông Lê Văn Hướng – cựu Chủ tịch HĐQT bị bắt giữ, JVC lại nổi lên với nghi án bị rút ruột 500 tỷ đồng. Lúc bấy giờ, tại thời điểm 1/4/2015, BCTC của JVC ghi nhận một khoản tiền mặt lên đến gần 500 tỷ đồng và tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng trị giá hơn 285 tỷ đồng, tổng cộng chiếm 1/3 tài sản ngắn hạn từng khiến cho cộng đồng nhà đầu tư dậy sóng nghi ngờ.
Tuy nhiên bước sang năm 2016, các khoản này đã biến mất. Và đến ngày 31/4/2016, JVC ghi nhận còn vỏn vẹn gần 9 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Theo ghi nhận, khoản lớn nhất lên đến 403 tỷ chính là tiền ứng trước, tiền bảo lãnh và thanh toán hộ cho Triết Tôn Tiên (315 tỷ đồng) và Công ty TNHH Thương mại Hướng Đông (88 tỷ đồng).
Mới đây, JVC đã quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật đối với ông Ngô Thanh Sơn kể từ ngày 31/8/2018. Thay vào đó, bà Vũ Thị Thúy Hằng sẽ thay thế vị trí của ông Sơn.
Về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý 1/2018, JVC ghi nhận lãi hơn 566 triệu đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết do phải điều chỉnh giảm bút toán hoàn nhập dự phòng cho khoản dự phòng trả trước của công ty con hơn 2 tỷ đồng. Thêm vào đó, doanh thu bán máy móc thiết bị lớn trong kỳ giảm nên lợi nhuận trong kỳ giảm mạnh so với cùng kỳ.
Triết Tôn Tiên – lãnh đạo liên quan đến "ngôi sao" hiện nay Sara (SRA)
Về Triết Tôn Tiên, Công ty được thành lập vào năm 2007, hoạt động chính trong lĩnh vực mua bán thiết bị vật dụng y tế. Trước đó, đại diện pháp luật đồng thời Tổng Giám đốc Công ty là ông Phạm Xuân Đồng, tuy nhiên hiện nay Tổng Giám đốc là ông Phan Hồng Sơn. Hiện, ông Sơn cũng là Chủ tịch HĐQT Triết Tôn Tiên.
Ngoài ra, ông Sơn còn là Thành viên HĐQT của Công ty khá nổi hiện nay trên thị trường – CTCP Sara Việt Nam (SRA) – cũng hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến y tế. Được biết, ông Sơn chính thức tham gia HĐQT Sara từ cuối năm 2016, sau khi 2 thành viên cũ từ nhiệm.
Về Sara, cổ phiếu Công ty thời gian gần đây gây chú ý khi tăng đột biến, liên tiếp những phiên trần, lợi nhuận cũng tăng đột biến kể từ khi Công ty chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực y tế. Chi tiết, từ đáy 9.300 đồng/cp, mã SRA của Công ty đã tăng một mạch 6 lần, lên ngưỡng 69.500 đồng/cp chỉ sau hơn một tháng giao dịch.
Biến động cổ phiếu SRA 1 năm qua.
Đi cùng với đó, bức tranh nửa đầu năm 2018 của SRA cũng vô cùng ấn tượng với gần 54 tỷ đồng doanh thu cao gấp gần 8 lần cùng kỳ, lãi ròng đạt 28,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi chưa đến 1 tỷ đồng, đưa EPS của Công ty vào nhóm dẫn đầu thị trường với 14.393 đồng.
Bắt đầu bước sang giai đoạn phát triển mới vào năm 2017, tức mở rộng các lĩnh vực hoạt động kinh doanh như bán hàng thiết bị y tế, liên kết xã hội hóa y tế, dự án về môi trường (xây dựng các lò đốt rác thải y tế công nghệ cao)… Sara đặt tham vọng khá cao cho năm 2018 với tổng doanh thu lên tới 225 tỷ đồng cao gấp 6 lần, lợi nhuận sau thuế là 60 tỷ đồng tăng tới 522% so với kết quả thực hiện của năm 2017.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm Sara chỉ hoàn thành được 24% mục tiêu về doanh thu và 48% mục tiêu về lợi nhuận. Trước đó, định hướng lĩnh vực hoạt động chính của Sara là nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin, trong đó trọng tâm là gia công và cung cấp các sản phẩm phần mềm, thiết kế website.