Cuối cùng WeWork cũng IPO thành công
BowX Acquisition Corp. (NASDAQ: BOWX, BOWXU, VÀ BOWXW) ("BowX"), công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) và WeWork Inc vừa chính thức thông báo về việc hoàn tất quá trình hợp nhất. Sau quyết định hợp nhất, công ty sau từ nay sẽ hoạt động với tên gọi WeWork Inc. và sẽ bắt đầu giao dịch trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York với ký hiệu "WE" từ ngày 21/10/2021.
BowX Acquisition Corp. là công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) với sự quản lý của Bow Capital, được sáng lập bởi Vivek Ranadivé và Murray Rode. Bow Capital là quỹ đầu tư mạo hiểm kết nối những điều tốt nhất của học thuật, kinh doanh và giải trí.
Với 40 năm kinh nghiệm, ông Vivek Ranadivé là Nhà sáng lập và Giám đốc của Bow Capital, đồng thời là Nhà sáng lập và CEO của ‘ông lớn’ công nghệ TIBCO trước đây. Còn ông Murray Rode là cố vấn cấp cao của Bow Capital và là cựu CEO của TIBCO, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ.
Quá trình hợp nhất giữa 2 bên sẽ chính thức hoàn tất vào ngày 20/10/2021, mang đến cho WeWork tổng số tiền mặt trị giá khoảng 1,3 tỷ USD như đã công bố, không tính các khoản chi phí, bao gồm số tiền mặt được giữ trong tài khoản ủy thác, thông qua hình thức PIPE với đầy đủ cam kết, và cơ sở hỗ trợ vốn chủ sở hữu từ Cushman & Wakefield.
Chủ tịch Điều hành - Marcelo Claure và Giám đốc Điều hành - Sandeep Mathrani sẽ tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo và dẫn dắt các chiến lược kinh doanh của WeWork.
Ông Sandeep Mathrani - Giám đốc Điều hành của WeWork. Ảnh: WeWork
Ông Sandeep Mathrani - Giám đốc Điều hành của WeWork, chia sẻ: "Ngày hôm nay chính là sự minh chứng cho sự quyết tâm của WeWork, với nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh doanh và thích ứng và mang đến các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động ngày nay.
Trong khi các công ty trên khắp thế giới bắt đầu quá trình tái định nghĩa không gian làm việc, WeWork được định vị như một nhà cung cấp không gian và dịch vụ riêng biệt, khi mang đến các giải pháp dựa trên nền tảng của sự linh hoạt.
Bằng việc đem đến các giải pháp về một dịch vụ cung cấp không gian toàn diện dành cho các nhà tuyển dụng và nhà sở hữu bất động sản trên toàn thế giới, giải pháp All Access và công nghệ quản lý không gian làm việc sẽ giúp WeWork tiến gần hơn với mục tiêu chinh phục và dẫn đầu thị trường không gian linh hoạt đại chúng".
Ông Marcelo Claure - Chủ tịch Điều hành của WeWork, tiếp lời: "SoftBank tự hào hỗ trợ WeWork trong ngày quan trọng này – dấu mốc ghi nhận mọi sự nỗ lực cho nhiều năm làm việc không ngừng nghỉ vì tầm nhìn phát triển của WeWork.
Khi cách sống và làm việc của chúng ta dần thay đổi thì WeWork đang dẫn dắt một trong những đột phá lớn nhất của lĩnh vực bất động sản thương mại với các giải pháp không gian làm việc chưa bao giờ có nhu cầu cao hơn thế. Cột mốc này chỉ là bước khởi đầu và chúng tôi hy vọng được tiếp tục hỗ trợ WeWork trên chặng đường phát triển kế tiếp".
Ông Vivek Ranadivé - Thành viên HĐQT tại WeWork và Cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của BowX Acquisition Corp., khẳng định: "WeWork từ lâu đã là doanh nghiệp tiên phong định hình nên các hình thức làm việc của tương lai và tuyên bố của ngày hôm nay càng củng cố cho WeWork trên con đường đạt sứ mệnh này.
Với đội ngũ lãnh đạo vững vàng cùng lợi thế nền tảng dịch vụ mới giúp nâng tầm một thập kỷ chuyên môn và công nghệ độc quyền của WeWork, chúng tôi không thể tưởng tượng một doanh nghiệp nào khác được trang bị tốt hơn để tiếp tục tăng trưởng ở thị trường không gian linh hoạt trong tương lai.
Khi đại dịch đang mang đến nhiều bất ổn, sự linh hoạt ngày càng chứng minh tầm quan trọng và WeWork đang sở hữu các không gian và nền tảng công nghệ để kiến tạo nên sự thay đổi ở quy mô toàn cầu".
Ảnh: WeWork
Cũng theo WeWork, với doanh thu và tỉ lệ lấp đầy tăng liên tục mỗi tháng trong quý III/2021, WeWork đã chứng minh khả năng phục hồi của mô hình kinh doanh và đề xuất giá trị lâu dài mạnh mẽ.
Cụ thể: tổng doanh thu sơ bộ trong quý III/2021 là 658 triệu USD, tăng khoảng 10% so với doanh thu quý II/2021 ở mức 593 triệu USD. Tổng công suất tổng hợp từ các địa điểm tiếp tục tăng đến 60% vào cuối quý III/2021, tăng từ mức 52% vào cuối quý II/2021. Tổng doanh thu số bàn bán được tổng hợp đạt 154.000 trong quý III/2021, tương ứng với 9,2 triệu feet vuông được bán ra (tương đương 854,708 mét vuông). Tổng doanh thu số bàn bán mới đạt 84.000 trong quý III/2021.
WeWork cũng bắt đầu theo đuổi các cơ hội tích lũy doanh thu mới bằng cách số hóa các dịch vụ bất động sản và sản xuất công nghệ hiện có. Tính đến Quý 3/2021, All Access, gói dịch vụ trả tiền khi sử dụng hoặc dựa vào việc đăng ký, và các gói thành viên trực tuyến khác đã đạt mức 32.000 người tham gia.
Công ty đã bắt đầu xây dựng nền tảng độc quyền quản lý nơi làm việc, WeWork Workplace, cho phép chủ tòa nhà và thành viên quản lý không gian linh hoạt trên các danh mục. Gần đây, WeWork đã công bố hợp tác chiến lược với Hudson’s Bay Company, Cushman & Wakefield và Ivanhoé Cambridge.
3 năm sóng gió của WeWork
Khác với lần trước, kế hoạch IPO lần này của WeWork diễn ra khá lặng lẽ.
Còn nhớ, năm 2019, Co-Founder của WeWork là ông Adam Neumann đã đưa ra một kế hoạch IPO vô cùng hoành tráng, với định giá doanh nghiệp lên đến 47 tỷ USD – một mình SoftBank đã đổ vào ‘kỳ lân nhiều sừng’ này tới 10 tỷ USD. Nếu thương vụ thành công, thì đây sẽ một trong những là đợt IPO lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ của nước Mỹ.
Tuy nhiên, từ hồ sơ mà WeWork nộp lên cơ quan chức năng của Mỹ để chuẩn bị cho kế hoạch IPO, đã tiết lộ những góc khuất ‘đáng báo động’ của họ: như cung cấp quản trị công ty kỳ dị của Adam Neumann, những khoản lỗ khổng lồ…
Nhà sáng lập WeWork - Adam Neumann. Ảnh: Forbes
Vì thế, kế hoạch IPO của họ không chỉ thất bại mà định giá của WeWork còn rớt thảm hại, chỉ còn khoảng 8 tỷ USD. Không những thế, 2 Nhà sáng lập của họ là Adam Neumann và Miguel McKelvey đều phải rời công ty, chuyển giao việc quản trị - quản lý cho SoftBank. Theo đó, Chủ tịch SoftBank Masayoshi Son đã cử ông Marcelo Claure xuống làm Chủ tịch và thuê Sandeep Mathrani làm Giám đốc điều hành của WeWork.
Tuy nhiên, sóng gió vẫn tiếp tục đến với WeWork trong những năm tiếp theo bởi Covid-19: năm 2020, họ lỗ 3,2 tỷ USD, quý I/2021 - họ lỗ thêm 2,1 tỷ USD, tăng mạnh từ mức 556 triệu USD trong quý I/2020.
Đầu tháng 4/2020, tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) hủy bỏ thương vụ chi 3 tỷ USD để mua cổ phiếu WeWork từ nhà Đồng sáng lập Adam Neumann và các cổ đông khác – một thỏa thuận có thể mang tới cho vị cựu CEO gần 1 tỷ USD. Tuy nhiên, SoftBank tiếp tục cho WeWork vay 1,1 tỷ USD – thể hiện quyết tâm không ‘bỏ rơi’ đứa con đang gặp nhiều khó khăn này.
Vào tháng 3/2021, WeWork và Adam Neumann đã cùng có 1 thỏa thuận mới để chấm dứt tranh chấp.
Thỏa thuận cho phép Neumann chuyển khoảng 480 triệu USD cổ phiếu cho SoftBank, đồng thời yêu cầu anh phải tránh xa vai trò của mình trong hội đồng quản trị WeWork trong một năm. SoftBank cũng sẽ trả cho Neumann 50 triệu USD để trang trải các khoản phí pháp lý và 50 triệu khác bổ sung như một phần của khoản phí không cạnh tranh đã hứa. Neumann cũng được gia hạn 5 năm đối với khoản vay 430 triệu USD từ SoftBank.
Thỏa thuận này có nghĩa là Neumann sẽ phải bán khoảng 1/4 vị trí của mình tại WeWork và việc dàn xếp sẽ chấm dứt tranh chấp pháp lý cấp cao giữa Neumann – SoftBank.
Do có quá nhiều vấn đề xảy ra trong suốt gần 3 năm qua, nên lần tìm đường IPO này của WeWork khá im hơi lặng tiếng và không hoành tráng như kỳ vọng trước đây.