Người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Iran cho biết, Tehran đang đánh giá 13 kịch bản để trả đũa Mỹ vụ không kích sát hại tướng Soleimani. Theo phía Iran, ngay cả kịch bản đáp trả nhẹ nhàng nhất cũng sẽ trở thành cơn ác mộng lịch sử đối với Mỹ.
"Ngay cả khi kịch bản trả đũa nhẹ nhàng nhất trong số này đạt được sự đồng thuận thì việc thực thi nó có thể trở thành cơn ác mộng lịch sử với người Mỹ. Ở thời điểm hiện tại, vì lý do tình báo, chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin", Hãng tin bán chính thức Fars của Iran dẫn lời ông Ali Ali Shamkhani.
Trước đây, một số quan chức Iran nói rằng các lực lượng Mỹ trong khu vực sẽ là mục tiêu tấn công trả đũa. Hôm 7/1, Quốc hội Iran cũng đã chỉ đích danh Lầu Năm Góc và các công ty quốc phòng có liên kết với chính phủ Mỹ là khủng bố.
Tuyên bố của phía Iran ngay lập tức trở thành cú đánh mạnh vào thị trường tài chính Mỹ. Trước đó, thị trường chứng khoán nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đã hứng chịu những cú sụt giảm nghiêm trọng sau khi máy bay không người lái tiến hành vụ không kích sát hại tướng Soleimani khi ông này có mặt tại Iraq hồi tuần trước.
Trong mắt người Iran, những gì tướng Soleimani làm được trong các cuộc xung đột từ Syria đến Yemen biến ông trở thành anh hùng của dân tộc. Lễ tang của nhân vật này có sự tham dự của hàng trăm nghìn người dân Iran. Ông Soleimani được an táng tại quê nhà nằm ở phía đông nam Kerman trong sự tiếc nuối của một biển người.
Ông Soleimani là người đưa ảnh hưởng của Iran ra khắp Trung Đông thông qua một mạng lưới các đội quân ủy nhiệm. Cái chết của tướng Soleimani thổi bùng một bầu không khí sục sôi trong khu vực, buộc Mỹ và các đồng minh rơi vào trạng thái luôn luôn lo sợ bị trả thù. Ngay cả sự hiện diện của Mỹ ở Iraq cũng đang bị thách thức.
Trong khi đó, nhà lập pháp Đức Roderich Kiesewetter cho biết Berlin sẽ tạm thời rút quân khỏi Iraq và Lebanon. Đại sứ quán Mỹ ở Iraq tiếp tục được thắt chặt an ninh nhằm đối phó với các âm mưu trả đũa tiềm năng.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo Mỹ sẽ phải trả giá cho việc sát hại tướng Soleimani với địa điểm và thời điểm do phía Iran lựa chọn. Thậm chí, ông Zarif còn mô tả vụ không kích sát hại tướng Soleimani chính là việc kích hoạt đồng hồ đếm ngược ngày Mỹ phải rời khỏi Trung Đông. Ngoại trưởng Iran cũng cảnh báo một cuộc chiến kéo dài nhiều thế hệ nếu Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực.
Hiện tại, Lầu Năm Góc đã phái thêm lực lượng đến Trung Đông, ngay cả khi xuất hiện những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Washington với Baghdad. Nhóm tàu đổ bộ 3 chiếc do chiến hạm USS Bataan dẫn đầu đã được lệnh di chuyển tới Vịnh Ba Tư từ phía Địa Trung Hải, nơi nó đang tham dự một cuộc tập trận. Nhóm này bao gồm khoảng 2.200 lính thủy đánh bộ, một đơn vị trực thăng. Tuần trước, 3.500 binh sĩ từ Quân đoàn lính dù số 82 cũng đã được điều tới Kuwait.
Hành động phô diễn sức mạnh của Mỹ tới sau khi xuất hiện một lá thư tới các quan chức quân sự Mỹ ở Baghdad nói rằng Mỹ nên chuẩn bị rời Iraq. Trả lời báo chí, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mư trưởng Liên quân, nói rằng bức thư chỉ là bản nháp và nó không bao giờ được gửi đi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng nói rằng Mỹ không có quyết định rời đi sau cuộc họp ngắn với Tướng Milley.
Tham khảo: Bloomberg