Phiên giao dịch 6/11 kết thúc với màu xanh của VnIndex. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp chỉ số tăng điểm và cũng là phiên thứ 4 liên tiếp chỉ số "bình yên" trên ngưỡng nghìn điểm mà nhà đầu tư mong đợi. Phải nói thêm rằng, với đa phần nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thì ngưỡng điểm một nghìn có ý nghĩa quan trọng, nhiều người chỉ chờ đợi VnIndex bứt phá qua điểm số này là rót tiền đầu tư với kỳ vọng chỉ số tăng bền vững dài hạn.
Tuy vậy, phiên giao dịch 6/11 kết thúc trong sắc xanh nhưng lực tăng lại không đáng kể. Thanh khoản được duy trì ở mức khá cao so với những tháng gần đây nhưng có thể thấy áp lực chốt lời đang xuất hiện ngày một rõ rệt hơn. Chính bởi vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng khả năng thị trường rơi vào trạng thái điều chỉnh trong một vài phiên tới hoàn toàn có thể xảy ra.
Mở đầu phiên giao dịch 7/11, chỉ số VnIndex cho thấy nhận định trên tương đối phù hợp. Chỉ số hiện tại đang lưỡng lự giữa hai màu xanh/đỏ và không có nét chấm phá rõ ràng, +/- quanh ngưỡng 2 điểm. Tâm lý lạc quan của những người chờ đợi xu hướng tăng dài hạn vẫn hiện hữu nên lực bán ra tuy khá cao nhưng không bán bằng mọi giá. Bên mua cũng không quá vội vàng.
Đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay phải nhắc đến:
-Nhiều công ty chứng khoán bổ sung PLX vào danh sách cho vay margin trở lại từ đầu tháng 11 đến nay. Tuy vậy, PLX đang không nhận được sự quan tâm đáng kể từ thị trường bởi nhiều cổ phiếu nóng với mức sinh lời cao hơn đang hấp dẫn nhà đầu tư hơn.
-Sau phiên tăng trần ngày 5/11 cùng thông tin Invest Đại Tây Dương đăng ký bán 41 triệu cổ phiếu thì cổ phiếu GTN của GTNfoods lại quay đầu giảm phiên thứ hai liên tiếp. Có vẻ như công cuộc "đu bám" theo thông tin M&A của 2 công ty sữa chỉ dành cho những nhà đầu tư dài hạn, kiên nhẫn.
-Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn gây chú ý với đà tăng của những "ông lớn" như VCB, MBB, BID…Cá biệt như VCB đã tăng mạnh mẽ suốt thời gian dài giúp cổ phiếu này lên ngưỡng 91.600 đồng. Tuy vậy, trước khả năng thị trường chung điều chỉnh nhẹ thì thanh khoản VCB đang khá thấp.
-Cổ phiếu HPG của Hoà Phát hôm nay tăng mạnh hơn 2% với khối lượng tính đến 10h đã đạt 4 triệu cổ phiếu. Hôm qua, công ty thép này công bố sản lượng thép miền nam tăng 91% do thép Dung Quất bắt đầu cung ứng ra thị trường. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý "ma thuật" của những con số theo tháng khi mà tổng hoà 10 tháng, Hòa Phát sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 2,18 triệu tấn thép xây dựng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tổng lượng xuất khẩu thép của Hòa Phát 10 tháng đạt 205.800 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Tức, tổng cộng từ đầu năm đến cuối tháng 10, sản lượng bán ra của Hoà Phát cũng chỉ mới tăng ở mức khá nhẹ nhàng và cơ hội từ thị trường xuất khẩu thực sự chưa mở ra lớn so với quy mô sản xuất. Với quy mô của nhà máy Dung Quất thì việc quy mô thị trường mở rộng thêm đến đâu là điều quan trọng hơn là con số tăng trưởng sản lượng ngắn hạn.
-Nhóm cổ phiếu "Trịnh Gia" ROS, FLC: ROS vẫn tiếp tục vận hành theo lối cũ, hầu hết thời gian trong phiên giá đỏ và kết thúc phiên ở mức giá cao nhất ngày. Thống kê cho thấy, khi giá càng giảm và về đáy thấp nhất nhiều năm thì khối lượng giao dịch tăng dần lên. Phiên sáng nay tính đến 10h chưa có sự đột biến về khối lượng. Cổ phiếu FLC sau thời gian tăng nóng đang loay hoay mỗi lần chạm đến giá 5 là quay đầu giảm. Song hành với sự biến động của FLC là những thông tin về Bamboo đã có mã giao dịch OTC và sẽ lên sàn chứng khoán trong thời gian tới. Chính thông tin này giúp cổ phiếu FLC cứ mỗi lần giảm sâu so với giá 5 mới tạo lập là lực mua lớn lại đẩy cổ phiếu tăng trở lại.