Theo nhà cung cấp dịch vụ hàng hải Inchcape, tàu Ever Given đã chính thức được "giải cứu" vào lúc 4 giờ 30 phút sáng (giờ Ai Cập) nhờ nỗ lực của các đội cứu hộ. Nỗ lực giải cứu đạt được bước đột phá sau khi các máy đào nạo vét 27.000 m2 cát và đào sâu 18m dưới bờ kênh cùng sự trợ giúp của 10 tàu kéo.
Dù đã nổi trở lại và không còn mắc kẹt vào bờ cát, nhưng hiện vẫn chưa rõ tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới bao lâu nữa mới được khai thông. Hiện tại, có hơn 450 tàu đang bị mắc kẹt, chờ đợi hoặc có lộ trình đi đến Kênh đào Suez.
Trước đó, Ai Cập cho biết công tác giải cứu tàu container siêu trường siêu trọng này có thể phải đến ngày 30/3 mới được hoàn thành. Đội giải cứu đầu tiên đến hiện trường là một máy xúc cao gấp 2 lần người. Sau đó, tàu nạo vét lòng kênh được đưa tới nhưng vẫn không có hiệu quả. Cùng với đó là một đội tàu kéo nỗ lực đưa Ever Given ra giữa dòng nước.
Video giải cứu tàu Ever Given:
Theo CNBC, nhiều tàu vận tải đã phải đổi hưởng vòng qua mũi Hảo Vọng của Châu Phi để tránh tình trạng tắc nghẽn tại Kênh đào Suez. Dữ liệu quan sát cho thấy, ít nhất 2 tàu chở khí ga của Mỹ đã đột ngột đổi hướng giữa Đại Tây Dương, di chuyển về phía mũi Hảo Vọng thay vì đến Địa Trung Hải để qua Suez. Một số tàu hiện đã phải lựa chọn hướng đi này, dù đây là phương thức tốn kém hơn.
Từ ngày 23/3, tuyến đường vận chuyển trên biển đông đúc nhất thế giới chứng kiến cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng, sau khi tàu Ever Given mắc cạn và xoay ngang trên Kênh đào Suez. Hậu quả là hàng trăm tàu trở hàng không thể di chuyển. Trong tuần trước, những nỗ lực giải cứu con tàu Ever Given dài 400 mét của tàu kéo, máy đào đều thất bại.
Ước tính, mỗi ngày có khoảng 50 tàu di chuyển qua tuyến đường này và năm 2019, tàu chở container chiếm khoảng 53% trọng tải trung chuyển.
Kênh đào Suez dài 190km, rộng 205m và sâu 24m, đi vào hoạt động từ năm 1869. Đây là một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới với nhiều tàu chở dầu thô, hàng hóa từ Trung Đông vận chuyển sang châu Âu và Bắc Mỹ. Ước tính, khoảng 12% thương mại toàn cầu, gần 10% dầu mỏ vận tải đường biển và 8% khí LNG toàn cầu được vận chuyển quan kênh đào này.