Theo Bloomberg, kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với rất nhiều mối lo ngại. Mùa đông sắp đến là điều kiện lý tưởng cho virus tiếp tục lây lan khi vắc-xin vẫn chưa được hoàn thành. Sự hỗ trợ của chính phủ đối với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn và các quy định của ngân hàng đối với hoạt động đi vay sẽ hết hạn. Hơn nữa, căng thẳng Mỹ - Trung có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11. Chưa dừng ở đó, niềm tin kinh doanh cũng đang bị xói mòn.
Joachim Fels – cố vấn kinh tế toàn cầu tại Pacific Investment Management cho biết: "Chúng ta đã chứng kiến đà hồi phục lên đến đỉnh điểm. Kể từ bây giờ, động lực ấy đang giảm dần."
Điều này khiến các chính phủ cần phải thận trọng hơn khi giải quyết khủng hoảng. Cho đến thời điểm này, chính phủ các nước đã bơm 20 nghìn tỷ USD hỗ trợ tài chính và tiền tệ, nhằm nỗ lực đưa nên kinh tế trở lại mức bình thường và đã đạt được một số thành quả.
Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh trong tháng 8 và thị trường nhà ở là một điểm sáng trong lúc này. Sự hồi phục với tốc độ ổn định của Trung Quốc được những ý kiến lạc quan coi đó là tín hiệu tích cực cho phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, Đức cũng công bố một số chỉ báo công nghiệp có kết quả tốt. Các thị trường mới nổi giờ đây cũng "thở phào nhẹ nhõm" từ việc đồng USD rớt giá.
Đà hồi phục đã dần chững lại ở những nền kinh tế lớn của thế giới.
Dẫu vậy, việc duy trì động lực trên tất cả những "mặt trận" này lại không hề dễ dàng. Việc này sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách tăng cường nỗ lực kích thích, trong khi một số quốc gia đang tìm cách cắt giảm dần động thái này. Ngoài ra, vắc-xin cũng không sớm có mặt trên quy mô cần thiết để kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ - một điều kiện quan trọng để mọi hoạt động trở lại bình thường.
Trong khi đó, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với những "cơn gió ngược" khác. Ví dụ, trên thị trường lao động, viện trợ của chính phủ đã giúp thúc đẩy sự hồi phục ở giai đoạn ban đầu – đây có thể là phần dễ dàng. Tiếp theo, việc tái cấu trúc doanh nghiệp, tái phân bổ nguồn lực và đào tại lại nhân sự lại đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian dài.
Trong tháng này, một số thương hiệu công nghiệp nổi tiếng nhất thế giới đã đưa ra dấu hiệu về cắt giảm việc làm. A.P. Moller-Maersk A/S đang lên kế hoạch cho một cuộc cải tổ lớn, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn nhân sự tại công ty vận tải container lớn nhất thế giới. Ford Motor hiện cũng đang phải sa thải khoảng 5% làm công ăn lương tại Mỹ. United Airlines sẽ cắt giảm 16.000 việc làm vào tháng tới do hoạt động kinh doanh bị thu hẹp.
Chưa dừng ở đó, những dấu hiệu đáng lo ngại vẫn đang hiện hữu. Tại Trung Quốc, người tiêu dùng lại ngần ngại chi tiêu và các ngân hàng lớn nhất nước này mới đây cũng công bố lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ qua khi nợ xấu tăng vọt. Còn các nhà lập pháp Mỹ đang tiếp tục thảo luận về gói kích thích tài chính mới – có thể là điều cần thiết để duy trì đà hồi phục của nền kinh tế lớn nhát thế giới.
Chỉ số Triển vọng Thương mại Toàn cầu và Tỷ trọng thương mại hàng hóa thế giới cho thấy triển vọng toàn cầu vẫn rất u ám.
Ryan Sweet – trưởng nhóm nghiên cứu chính sách tiền tệ tại Moody’s Analytics, nhận định rằng việc tạo ra thêm 1,4 triệu việc làm vào tháng 8 là một "bước tiến lớn và đúng hướng". Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ phải duy trì được tốc độ đó và nếu không có biện pháp kích thích tài khóa, thì điều đó khó có thể thực hiện được.
Tại châu Âu, các chỉ số đo lường hoạt động đang có diễn biến kém dần và các nhà máy cũng đang nỗ lực cắt giảm chi phí do nhu cầu, lợi nhuận sụt giảm. Trong khi Pháp và Đức đã mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính, Anh lại có kế hoạch kết thúc chương trình này vào tháng 10, có thể khiến hàng triệu người mất việc.
Trong một cuộc họp báo, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cảnh báo rằng "mùa đông đang đến" và các quốc gia sẽ phải hành động để kiểm soát dịch bệnh.
Những tháng tới, thị trường chứng khoán lại sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi số liệu kinh tế trong bối cảnh các gói hỗ trợ tài chính đang dần bị thu hẹp quy mô.
Catherine Mann – kinh tế gia trưởng toàn cầu tại Citigroup, nhận định: "Về mặt định giá, chúng ta phải nhìn xa hơn những gì đã xảy ra vào tuần trước. Hỗ trợ tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang có triển vọng không tốt về dài hạn."
Yếu tố phủ bóng lên mọi hoạt động của nền kinh tế toàn cầu là tình trạng dịch bệnh tiếp tục lây lan, với những đợt bùng phát liên tục diễn ra trên khắp thế giới. Theo Warwick McKibbin đến từ Viện Brookings và Đại học Quốc gia Australia (ANU), ngay cả khi vắc-xin được nghiên cứu thành công, thì việc đưa nó ra quy mô toàn cầu cũng mất nhiều thời gian.
Ông cho rằng dịch bệnh sẽ khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 35 nghìn tỷ USD cho đến năm 2025. McKibbin cho hay: "Có rất nhiều người cần được tiêm chủng trước khi tác động kinh tế của dịch bệnh bắt đầu lắng xuống."
Tham khảo Bloomberg