Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) 10 tháng năm 2019.
Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư NSNN được Thủ tướng giao là 319,1 nghìn tỷ đồng, đạt 91,11% so với dự toán Quốc hội giao. Trong đó, vốn trong nước là gần 345.5 nghìn tỷ đồng, đạt 93,55%, bao gồm 35,7 nghìn tỷ đồng vốn TPCP, đạt 89,34%.
Theo kế hoạch, 429.300 tỷ đồng là nguồn NSNN 2019 chi đầu tư phát triển thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, vốn huy động trong nước là 369.300 tỷ đồng, bao gồm 40.000 tỷ đồng từ nguồn TPCP. Vốn huy động nước ngoài là 60.000 tỷ đồng. |
Ước tính đến hết tháng 10/2019, còn tới gần 38,2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư nguồn NSNN theo kế hoạch của 2019 đã được Quốc hội giao nhưng vẫn chưa được Thủ tướng thông qua. Trong đó có tới gần 33,7 nghìn tỷ là do chưa đủ điều kiện.
Số vốn này bao gồm 4.500 tỷ đồng kế hoạch đầu tư từ nguồn xử lý nhà đất của Cảng Sài Gòn đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận không giao cho Bộ Giao thông Vận tải và gần 33,7 nghìn tỷ đồng chưa giao kế hoạch năm 2019 do chưa đủ điều kiện.
Bộ Tài chính thông tin, tính đến ngày 23/10, toàn bộ 54 đơn vị đã gửi báo cáo phân bổ về bộ với số vốn đã phân bổ chi tiết là hơn 16,5 nghìn tỷ đồng, đạt 91,67% kế hoạch được giao.
Trong đó, vốn CTMTQG Giảm nghèo bền vững là 7.335, tỷ đồng, đạt 91,7% kế hoạch giao. Vốn CTMTQG Xây dựng nông thôn mới là 9.164,7 tỷ đồng, đạt 91,65% kế hoạch giao. Như vậy, số vốn chưa phân bổ chi tiết là gần 1500 tỷ đồng.
Tiếp tục báo động giải ngân vốn đầu tư công
Sau 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính từng đánh giá giải ngân đầu tư công có những con số đáng báo động. Sau đó, nhiều cuộc họp, hội nghị và chỉ đạo từ các cấp được tổ chức để tháo gỡ và thúc đẩy tiến độ.
Tuy nhiên, cập nhật thực hiện sau 10 tháng, mức độ giải ngân vẫn hụt so với cùng kỳ.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, về giải ngân vốn đầu tư công, ước thanh toán 10 tháng năm 2019 mới đạt gần 214 nghìn tỷ đồng, bằng 49,83% so với kế hoạch Quốc hội giao và 54,69% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ giải ngân thấp hơn con số của cùng kỷ, lần lượt là 56,24% với Quốc hội và 57,93% so với kế hoạch Thủ tướng giao.
Cụ thể, vốn trong nước thanh toán là hơn 201,5 nghìn tỷ đồng, đạt 54,58% kế hoạch Quốc hội giao và 58,34% kế hoạch Thủ tướng giao. Cùng kỳ lần lượt đạt tỷ lệ tương ứng là 60,54% và 61,74%.
Số thanh toán vốn ngoài nước là gần 12,4 nghìn tỷ đồng, mới chỉ đạt 20,61% kế hoạch Quốc hội giao và 27,09% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ của cùng kỳ lần lượt là 31,92% và 34,84%.
Bộ Tài chính đánh giá, nhìn chung số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 10 tháng 2019 của các bộ, ngành, địa phương thấp hơn so với cùng kỳ 2018. Chỉ có 4 bộ, ngành và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%.
Có đến 29 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung (54%) của cả nước. Đáng chú ý, có đến 15 bộ ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 vừa được tổ chức vào cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đánh giá "vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế". Đồng thời, ông Dũng cũng nhấn mạnh: "Việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả là rất cần thiết". Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cho biết, Chính phủ sẽ cắt, chuyển vốn dự án đầu tư công tại nơi giải ngân chậm sang địa phương, bộ, ngành khác hiệu quả hơn. "Những bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp phải có trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ hết cho khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh. |