Thời gian gần đây, chính quyền Bắc Kinh không ngần ngại chỉnh đốn toàn bộ môi trường kinh doanh. Không chỉ khởi động cuộc chiến chống BigTech, ngành công nghiệp gia sư cũng nằm trong tầm ngắm.
Cuối tháng trước, chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng các bậc cha mẹ đã dồn quá nhiều áp lực học tập lên con cái của họ. Trong một sắc lệnh gây sốc, chính phủ công bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mới nhắm vào các công ty dạy thêm nhằm định hình lại ngành công nghiệp trị giá hơn 100 tỷ USD mỗi năm.
Các sắc lệnh bất ngờ làm rung chuyển thị trường chứng khoán của cả nước và ảnh hưởng tiêu cực lên giá cổ phiếu của hàng loạt công ty giáo dục Trung Quốc có niêm yết ở sàn chứng khoán New York.
Bộ giáo dục Trung Quốc đã ngay lập tức khuyến nghị rằng trẻ em không nên sử dụng quá một giờ trên màn hình mỗi ngày. Đợt chỉnh đốn ngành công nghiệp gia sư cũng là lời cảnh báo cho ngành công nghiệp game online đang thu hút giới trẻ Trung Quốc, bị chi phối bởi những gã khổng lồ như Tencent.
Đằng sau các khoản tiền phụ huynh chi cho gia sư, phụ đạo luôn là sự kỳ vọng quá cao của các bậc cha mẹ, điều đó vô tình tạo ra áp lực tâm lý cho con cái của họ. Khi không đạt được tham vọng của bố mẹ, chúng lại náu mình trong thế giới trò chơi điện tử và Internet.
Những lớp học phụ đạo mà bố mẹ Trung Quốc đã chọn cho con của họ nhằm chuẩn bị cho kỳ thi đại học quan trọng (còn gọi là gaokao - cao khảo) đều có mức học phí không hề rẻ. Ngoài các khóa học bồi dưỡng từ các cơ sở giáo dục tư nhân, họ còn đầu tư thêm hàng nghìn USD để thuê gia sư dạy riêng cho con họ các môn chủ chốt.
Điểm số được tính trong kỳ thi cao khảo đều rất quan trọng, đến mức có thể quyết định cuộc đời và sự nghiệp của giới trẻ.
Theo The Economist, một phụ huynh cho biết đã sắp xếp các buổi luyện thi vào kỳ nghỉ con gái của mình và nói rằng "ngay cả khi có lệnh cấm, tôi vẫn sẽ giải quyết vấn đề đó bằng cách thuê một gia sư riêng". Người này đã chi 6.000 NDT cho một gia sư riêng, số tiền tương đương với khoảng 40% thu nhập hàng tháng của gia đình.
Christina Zhu, chuyên gia kinh tế của Moody’s Analytics tại Singapore nhận định: "Chính sự lo lắng của phụ huynh đang thúc đẩy sự gia tăng của việc dạy thêm sau giờ học. Sự lo lắng đó bắt nguồn từ chất lượng trường học không đồng đều, cạnh tranh gay gắt và thậm chí có thể là sự thiếu tin tưởng vào hệ thống an sinh xã hội".
Vì thế, nhiều nhà phân tích và phụ huynh tin rằng chính phủ Trung Quốc nên tập trung giải quyết nguồn gốc cốt yếu của căn bệnh giáo dục, đó chính là hệ thống cao khảo.